Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Tây Hồ: Giao dịch “chênh” tiền tỷ, tài sản bị thất thoát
(Xây dựng) – Khi chuyển nhượng bất động sản cho khách hàng, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Tây Hồ (gọi tắt Công ty Tây Hồ) đã đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với số tiền khách hàng phải trả để sở hữu lô đất. Đáng nói công ty này có hơn 50% thuộc sở hữu Nhà nước, số tiền thất thoát sau giao dịch bao gồm cả tài sản Nhà nước.
Nhiều diện tích tại Khu đô thị mới Quế Võ 1 vẫn còn cây cỏ mọc um tùm. |
Thông tin từ đơn thư của bà Nguyễn Thị Nhung, (địa chỉ tại Vinhomes Long Biên, Hà Nội) – Cổ đông của Công ty Tây Hồ – (địa chỉ tại số 2 ngõ 9 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) về hàng loạt hành vi có dấu hiệu sai phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước và tổn hại quyền lợi của cổ đông.
Văn bản cho phép Công ty Tây Hồ bán 75 lô/118 lô đất nền. |
Theo tìm hiểu của PV, năm 2003 Công ty Tây Hồ được tỉnh Bắc Ninh giao 60ha đất để xây dựng hạ tầng dự án Khu đô thị mới Quế Võ I (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tuy nhiên đến ngày 8/6/2015 Công ty Tây Hồ mới được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.
Tháng 9/2017 Công ty Tây Hồ được chấp thuận cho bán 75 lô/118 lô đất nền với tổng diện tích gần 3ha trong phần diện tích của dự án này, còn 43 lô chưa đủ điều kiện được chuyển nhượng.
Đáng nói bạn đọc cho biết ngay sau đó, Công ty Tây Hồ đã triển khai hàng loạt giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng, bao gồm cả 43 lô đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Giấy chuyển nhượng và hóa đơn Công ty Tây Hồ xuất cho khách hàng |
Công ty Tây Hồ đã dùng cách thức thông qua một số cá nhân và nhân viên của Công ty CP Đầu tư phát triển GoldLand Việt Nam (Công ty GoldLand VN, địa chỉ tại Phượng Mao, Quế Võ, Bắc Ninh) và doanh nghiệp bất động sản khác để giao dịch, thực hiện các chuyển nhượng này.
Cụ thể, khi khách hàng có nhu cầu mua đất, cán bộ của Công ty Tây Hồ sẽ giới thiệu sang gặp Văn phòng giao dịch đất đai thuộc Công ty GoldLand VN. Người của văn phòng hướng dẫn khách hàng ký Hợp đồng đặt cọc với nhân viên thuộc Công ty GoldLand VN chứ không phải Hợp đồng đặt cọc với Công ty GoldLand VN.
Mức giá Công ty Tây Hồ đưa ra thấp hơn rất nhiều so với mức giá thị trường mà thực tế khách hàng phải trả để có được căn nhà.
Đơn cử như khách hàng Nguyễn Đình T. (trú tại xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã đặt cọc 50 triệu đồng cho ông Phạm Văn Minh để mua thửa đất số 48, tờ bản đồ 29, diện tích 511m2 với giá chuyển nhượng là 6,5 triệu đồng/m2. Sau đó ông T. đã 2 lần chuyển cho ông Phạm Văn Minh tổng số tiền tổng là 3.266.500.000 VNĐ (hơn 3,2 tỷ đồng). Sau khi chuyển tiền, ông T. được ông Minh dẫn vào Công ty Tây Hồ để ký Hợp đồng chuyển nhượng. Theo nội dung hợp đồng này Công ty Tây Hồ bán khu đất trên cho ông T. với giá chỉ 2.401.700.000 đồng. Tương ứng chênh tới 914,8 triệu đồng so với thực tế mà ông T. đã bỏ tiền ra để có được lô đất.
Theo cách làm này, với việc chuyển nhượng một lô đất trên tài sản của Nhà nước và các cổ đông Công ty Tây Hồ đã bị thất thoát 914,8 triệu đồng.
Hồ sơ PV tiếp nhận còn có trường hợp khách hàng Trần Văn H. (địa chỉ tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) mua lô đất BT9 ô số 5 diện tích 511m2. Ngày 21/9/2017, nhân viên Văn phòng giao dịch đất đai của Công ty Cổ phần GoldLand VN đưa ông H. đến trụ sở Công ty Tây Hồ để mua lô đất. Tại đây, ông H. gặp và thống nhất với ông Nguyễn Tấn Hoàng – Trưởng phòng Kinh doanh và bà Nguyễn Thị Hương Giang là cán bộ (thực chất bà Giang là Giám đốc Công ty bất động sản Tú Minh) mua đất với giá 2.835.000.000 đồng (2,835 tỷ đồng). Ông H. nộp cho bà Giang 2,785 tỷ đồng (có giấy biên nhận viết tay của bà Giang), ghi nhận ông H. còn nợ 50 triệu đồng.
Ngay sau đó Công ty Tây Hồ đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên nhưng lại không ghi giá chuyển nhượng. Hơn một năm sau (ngày 02/12/2018) Công ty Tây Hồ xuất hóa đơn GTGT ghi giá trị hóa đơn là 1.585.310.000 đồng. Tương ứng chênh 1.199.690.000 đồng (gần 1,2 tỷ đồng) so với số tiền ông H. đã đưa cho bà Nguyễn Thị Hương Giang. Với cùng cách thức, một lần nữa tài sản Nhà nước và cổ đông của Công ty Tây Hồ bị thất thoát gần 1,2 tỷ đồng trong giao dịch này.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp có 50,09% cổ phần là tài sản Nhà nước (do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thuộc Bộ Xây dựng sở hữu). Do đó, nếu xảy ra vi phạm quy định về quản lý gây thất thoát tài sản tại Công ty Tây Hồ thì chính là thất thoát tài sản Nhà nước.
Căn cứ tài liệu, thực tế Công ty Tây Hồ đã đưa ra giá bán rất thấp so với thị trường vào thời điểm 9/2017. Cụ thể, các ô liền kề là 5,4 triệu đồng/m2; các ô biệt thự là 4,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó tại Văn bản số 116/TTr-STNMT và số 76/BC-STNMT ngày 18/3/2019, giá đất do sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh xác định là: Các lô liền kề từ 10,346 triệu đồng/m2 – 14,632 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí; đơn giá các ô biệt thự là 10,843 triệu đồng/m2, 11,926 đồng/m2 tùy theo vị trí.
Để đưa ra được giá chuyển nhượng tại thời điểm mở bán cuối năm 2017 phù hợp với thị trường, lãnh đạo Công ty Tây Hồ buộc phải căn cứ vào Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về giá đất; Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về giá đất. Bên cạnh đó, Điều lệ công ty quy định khi đưa ra giá chuyển nhượng, Công ty Tây Hồ phải thực hiện 3 việc bắt buộc là: Xin ý kiến các cổ đông không tham gia quản lý điều hành; xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; tiến hành tham chiếu các giá chuyển nhượng ở cùng thời điểm ở trong cùng khu vực vv… Do đâu lãnh đạo Công ty Tây Hồ lại đưa ra mức giá thấp hơn hẳn giá thị trường?
Văn bản số 76/BC-STNMT ngày 18/3/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. |
Căn cứ mức giá trên, việc bán 94 lô đất đã gây thiệt hại ít nhất là 86,8 tỷ đồng. Do cổ phần Nhà nước chiếm 50,09 % nên thiệt hại tài sản Nhà nước trong trường hợp này khoảng 43,4 tỷ đồng.
Theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu “Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”. Trường hợp thông tin bạn đọc về việc Công ty Tây Hồ gây thất thoát 43,4 tỷ đồng tài sản Nhà nước là chính xác, lãnh đạo công ty sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý như thế nào?
Chưa kể tới việc cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện và chưa được Sở Xây dựng Bắc Ninh xác nhận hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh Bất động sản; Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai.
Nguồn: Báo xây dựng