Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở quận Bắc Từ Liêm bao giờ được xử lý?
Tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, tình trạng người dân tự ý đổ đất, san gạt, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp đã và đang tồn tại nhiều năm. Các hộ vi phạm khi sử dụng đất sai mục đích diễn ra từ lâu, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng chính quyền địa phương từ khóa này đến khóa khác vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Gần đây, tại Phúc Diễn lại xuất hiện nhiều công trình vi phạm, dù cán bộ địa chính của UBND Phường có xuống kiểm tra nhưng không hiểu sao công trình vẫn chưa có biên bản xử phạt hay tháo dỡ, mà các hộ dân chỉ là tạm ngừng thi công.
Đơn cử, tại ngõ 291/90 đường Phú Diễn, thuộc phường Phúc Diễn, phóng viên đã đi ghi nhận thực tế và thấy việc người dân phản ánh về tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp là có cơ sở. Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thay đổi hiện trạng để xây dựng công trình nhà xưởng, công trình như khu tiểu sinh thái có lầu vọng nguyệt và hồ nước…..
Phóng viên để giấy giới thiệu tại Ủy ban phường và sau rất nhiều lần liên lạc thì được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Phường, phục trách Kinh tế Đô thị tiếp. Bà Hà nói rằng, không có vi phạm nào? Sau khi phóng viên chỉ rõ và mời bà Hà đi thực tế địa bàn thì bà mới im lặng và lúc sau giải thích: “Đó là tồn tại của khóa trước…” Phóng viên hỏi, tồn tại đó thì giải quyết thế nào? Bà Hà hẹn, buổi khác làm việc cụ thể.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên có buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Quang, cán bộ địa chính phường Phúc Diễn. Ông Nguyễn Minh Quang được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn ủy quyền tiếp phóng viên.
Sau khi nhận được thông tin về các trường hợp vi phạm, ông Nguyễn Minh Quang cho biết: “Chúng tôi có xuống kiểm tra nhưng đây là những trường vi phạm lâu rồi, không phải mới. Và những công trình đã lâu thì chúng tôi cứ giữ nguyên. Chưa có văn bản phạt vi phạm nào cả.”
Phóng viên trao đổi, UBND phường đã có thống kê các hộ vi phạm, biện pháp xử lý, lộ trình xử lý các trường xây dựng trái phép báo cáo cấp trên chưa? Ông Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Những trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn cũng có nhiều nhưng là những công trình cũ, Phường sẽ hoàn thiện hồ sơ để xử lý từng bước, việc này không thể một sớm, một chiều được. Hiện nay, Phường đang tập trung ngăn chặn từ ban đầu, xử lý dứt điểm đối với những công trình vi phạm mới phát sinh.”
Sau cuộc làm việc với cán bộ địa chính phường Phúc Diễn, phóng viên có “xin” bà Nguyễn Thị Thu Hà văn bản lộ trình xử lý các vi phạm cũ (báo cáo) thì vẫn không thấy hồi âm.
Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/01/2014 của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công thì:
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Đối với địa phương để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giám sát, quản lý mọi vấn đề phát sinh trên địa bàn phường Phúc Diễn đang bị bỏ ngỏ.
Luật gia Nguyệt Tú, Văn phòng Luật THAIHALAW phân tích về những vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp như sau:
Căn cứ khoản 7, khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị phạt hành chính, cụ thể:
“Điều 16. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác; c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này
Đối với hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này mà đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Nghị định này. …”
Như vậy, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt lên đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và bị áp dụng biện pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng.
Doanhg nghiệp và Thương hiệu nông thôn sẽ trở lại vấn đề trên.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu