Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển

MTĐT –  Thứ tư, 01/02/2023 09:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có thể thấy rõ được sự nỗ lực của các bên trong việc lan tỏa khái niệm công trình xanh ở Việt Nam. Để đạt được những bước tiến như hiện nay Công trình xanh Việt Nam đã trải qua những chặng đường phát triển nào?

Khái niệm công trình xanh đã xuất hiện trong ngành xây dựng Việt Nam khoảng 15 năm. Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng… trào lưu công trình xanh tại các nước phát triển được xem là mô hình lý tưởng cho các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, sự quan tâm dành cho công trình xanh đang ngày càng tăng khi chủ đề này đang được xuất hiện trong rất nhiều các sự kiện, hội thảo cũng như các chính sách phát triển xây dựng của nhà nước và các công trình xây dựng xanh của các nhà phát triển bất động sản. Có thể thấy rõ được sự nỗ lực của các bên trong việc lan tỏa khái niệm công trình xanh ở Việt Nam. Để đạt được những bước tiến như hiện nay Công trình xanh Việt Nam đã trải qua những chặng đường phát triển nào?

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt NamTừ năm 1990, từ Châu Âu, một số nước đã nhen nhóm hình thành dạng công trình hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng các điều kiện khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Làn sóng này đến nay đã và đang lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Làn sóng phát triển công trình xanh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, trở thành “Cuộc cách mạng Công trình xanh” trong lĩnh vực xây dựng và lan tỏa tới hơn 100 quốc gia trong đó có Việt Nam.

Về điểm xuất phát, Việt Nam không bị chậm hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Singapore thành lập hoạt động công trình xanh vào đầu năm 2005, Việt Nam thành lập vào năm 2007, Thái Lan & Malaysia thành lập vào năm 2008-2009. Tuy nhiên, về vấn đề thực thi, tốc độ xây dựng công trình xanh tại Việt Nam so với các quốc gia top 3 trong khu vực thì còn khá chậm.

Mặc dù chưa có các hành lang pháp lý, các hoạt động phát triển và chứng nhận công trình xanh đã được thực hiện triển khai ở Việt Nam từ hơn 15 năm qua. Cho đến nay thị trường công trình xanh đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng rất vừa phải nếu không nói là chậm. Sự tăng trưởng chậm này phần lớn là do hiện ở Việt Nam việc phát triển công trình xanh còn gặp nhiều bất cập và thách thức chưa được tháo gỡ.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt trên 230 công trình được chứng nhận theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LOTUS, LEED, EDGE, Green Mark.

Thị trường công trình xanh tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn khi xuất hiện các chủ thể chính như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh. Công trình xanh cũng đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội và các lợi ích kinh tế rõ rệt.

Ở Việt Nam, chúng ta đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (2010), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (2014), Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (2017), Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (2019). Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này. Và gần đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 rằng đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 (2021).

Như vậy, có thể thấy công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hóa” ngành Xây dựng và chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Có thể nói, công trình xanh là phương tiện để làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Tại Việt Nam đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam tăng trưởng chậm chạp. Hiện nay, thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ nhà nước.

Hiện nay, đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng, đã xuất hiện những chuỗi công trình xanh, sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh, tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ, chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.

Những năm gần đây, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm thúc đẩy xu hướng công trình xanh trong ngành xây dựng Việt Nam. Cụ thể Bộ Xây dựng đã tiếp nối và lan tỏa sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam đã được một số Viện nghiên cứu triển khai trước đây. Nhiều công trình xanh của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được vinh danh và khen tặng trong sự kiện. Tuy nhiên việc vinh danh các công trình xanh tại sự kiện cũng gây nên một số ý kiến vì còn thiếu và trùng lặp. Để tránh những tranh luận không đáng có, Bộ Xây dựng nên mời một đơn vị chuyên môn độc lập khách quan tổng hợp và đánh giá. Việc vinh danh càng khách quan và minh bạch càng khuyến khích và động viên được nhiều những đơn vị có đóng góp thực chất cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, tại Việt Nam đang xuất hiện một xu hướng không tốt cho sự phát triển của công trình xanh, đó là hành vi “Greenwashing”. Định nghĩa về “green washing” được thiết lập vào những năm 1980 bởi nhà môi trường học Jay Westerveld, dùng để chỉ hành vi đưa ra những tuyên bố sai lệch về đóng góp cho môi trường của các tổ chức.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Hành vi “Greenwashing” trong marketing (Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp thiết bị, vật liệu… thường giới thiệu tới khách hàng rằng các công trình, sản phẩm của mình là xanh thân thiện với môi trường tuy nhiên thực chất thì không hẳn như vậy.

Nhiều dự án được đặt tên gắn liền với các mỹ từ như “eco”, “green” nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố ô nhiễm, lãng phí tài nguyên năng lượng. Họ chỉ dùng tên gọi “xanh” như một chiêu thức quảng cáo, tiếp thị, tạo lòng tin rằng công trình của họ sử dụng yếu tố xanh để thu hút các nhà đầu tư và khách hàng.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Ngoài ra, hiện nay còn nhiều chủ đầu tư cũng như giới chuyên môn nhầm lẫn giữa ba dạng công trình: Công trình xanh, Công trình sử dụng tài nguyên hiệu quảCông trình tiết kiệm năng lượng. Đây là ba loại công trình thân thiện môi trường, tuy nhiên mức độ đóng góp cho xã hội và môi trường là khác nhau. Chính vì vậy, nhiều báo cáo và nhận định về các công trình xanh tại Việt Nam còn đánh đồng ba dạng công trình dẫn đến việc thống kê số lượng công trình xanh hiện vẫn còn mơ hồ.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Sự khác biệt Công trình xanh, Công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và Công trình hiệu quả kiệm năng lượng

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Xu hướng công trình xanh tại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển và đi lên nhưng phát triển với tốc độ như thế nào thì khó đoán vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên có thể khẳng định tiềm năng phát triển tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Vì vậy, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, Việt Nam cần xem xét các điều kiện tương đồng để chọn cho mình một hướng đi phát triển công trình xanh thích hợp.

Công trình xanh Việt Nam – những chặng đường phát triển - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Bên cạnh đó, để có thể hiện thực các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam cần phải có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế. Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của thiết kế công trình xanh là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc – C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…

Cần thống nhất khái niệm xanh từ KTS, cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý. Nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh – một xu thế đã được thế giới lựa chọn.

Ngoài ra cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh như Bộ Xây dựng, các Hội nghề nghiệp (Hội KTS Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng, Hội đồng Công trình xanh…), các doanh nghiệp thiết bị và vật liệu, các nhà phát triển bất động sản để sớm đưa ra một lộ trình thống nhất trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Để công trình xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được 4 công việc không thể thiếu như sau:

Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng như: Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; đầu tư phát triển công trình xanh trong nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh; nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường…

Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường cho sản phẩm xanh với các khách hàng sinh thái thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực…

Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy công trình xanh một cách thực chất. Tổ chức các đơn vị độc lập ba bên thanh tra kiểm tra tuân thủ các quy chuẩn, tem chất lượng xanh của vật liệu và thiết bị trên thị trường.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, nhu cầu cấp thiết về môi trường sống của người dân, công trình xanh với tư tưởng mới là tiền đề cho hàng loạt kế hoạch hành động cần triển khai để hiện thực hóa các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là: Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; Quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách nhà nước; Hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Thứ hai, tạo lập môi trường cho công trình xanh thông qua sự cân bằng của kinh tế và môi trường, áp dụng vào các sản phẩm công nghiệp và hoạt động thương mại. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh; phát triển và sản xuất vật liệu xây dựng xanh – thân thiện môi trường….

Thứ ba, xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực…về công trình xanh từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội.

Thứ tư, xây dựng các chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm xây dựng xanh.

Thứ năm, xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách – thí điểm – lựa chọn hình mẫu chuẩn – áp dụng nhân rộng.

Nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh trong tiến trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Quá trình phát triển các vùng đô thị theo hướng thông minh, tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội cho việc giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên và lượng khí thải. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phát triển công trình xanh rất cần những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan liên quan từ quản lý, giám sát và cả ngành công nghiệp xây dựng./.

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên -Viện KHCN Đô thị xanh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích