Công trình xanh mãi chưa “cất cánh“: Cần tháo chốt về “đòn bẩy“ tài chính xanh
Loạt rào cản phát triển công trình xanh
Công trình xanh tại Việt Nam đã bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2000 nhưng đến nay mới chỉ có trên 200 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh.
Thực tế, việc xây dựng các công trình, các đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam. Bởi các công trình xanh đem lại hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh còn ít.
Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Công trình xanh – Tài chính xanh trong phát triển dự án bất động sản” được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã lý giải về những rào cản phát triển công trình xanh tại Việt Nam và đưa ra những quan điểm tháo gỡ rào cản.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trịnh Tùng Bách – Founder GBS Việt Nam nhận định, thị trường công trình xanh tại Việt Nam hiện không phát triển được như kỳ vọng bởi vướng nhiều rào cản.
Thứ nhất là thách thức đầu tư dự án. Trên góc độ chủ đầu tư, làm công trình xanh thì phải gia tăng chi phí. Tuy nhiên, tại Việt Nam ít có nghiên cứu nào cho thấy chi phí tăng công trình xanh là bao nhiêu. Cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển công trình xanh. Cùng với đó, quy trình thực hiện các dự án vẫn là quy trình cũ nên vẫn tốn kém về chi phí và thời gian. Ngoài ra, sự tham gia của các bên liên quan như tiết kiệm năng lượng, kiến trúc… vẫn còn thiếu và yếu.
“Hầu hết khi được giao đề tài liên quan đến công trình xanh, các bên tư vấn chỉ đưa ra các giải pháp về mặt kỹ thuật, còn về mặt chi phí thường bị bỏ qua bởi rất ít đơn vị có đủ khả năng để tính toán chi tiết và đưa ra kết quả xác đáng. Trên thị trường cũng chưa có bất cứ cơ chế ưu tiên cụ thể nào, song song với đó thì quy trình xin chứng nhận còn nhiều phức tạp. Trên thực tế, có nhiều dự án mang yếu tố xanh nhưng không đăng ký chứng nhận xanh bởi quy trình quá rườm rà và tốn kém”, ông Bách cho hay.
Thứ hai, thách thức từ người mua đó là họ chưa hiểu rõ về công trình xanh cũng như lợi ích của công trình xanh. Các doanh nghiệp vẫn đang quảng cáo về bề ngoài của công trình xanh chứ chưa thực sự nói cho người mua hiểu về lợi ích to lớn về vận hành, tiện nghi, sức khoẻ của công trình, do đó người mua không hiểu hết được.
Thứ ba, rào cản về thị trường. Nhiều dự án gắn mác xanh nhưng không xanh thực sự khiến cho người mua nhà không hiểu được dự án xanh thực sự khác dự án thường ở chỗ nào.
Ông Bách cũng chia sẻ thêm: “Các chủ đầu tư thường quan tâm đến câu chuyện công trình xanh có đáp ứng được 3 vấn đề về pháp lý, tài chính, kinh doanh hay không. Cụ thể, về pháp lý, doanh nghiệp có được ưu tiên gì không? Về tài chính thì nguồn vốn và hình thức huy động ra sao? Về kinh doanh thì có công trình xanh có tối ưu được chi phí bán hàng?”.
Theo ông Bách, mỗi dự án có chứng chỉ xanh thì sản phẩm đều có giá trị hơn công trình thường. Nó cũng thúc đẩy quá trình bán hàng và gia tăng danh tiếng cho chủ đầu tư cũng như thực hiện sứ mệnh xã hội về phát triển bền vững.
Về chi phí cho công trình xanh, theo ông Bách, có rất nhiều ngộ nhận về chi phí cao cho công trình xanh, có ngộ nhận tăng từ 12 – 29% nhưng thực tế, có những công trình xanh chưa chắc đã đắt và có những công trình đắt chưa chắc đã xanh.
“Một số công trình chúng tôi đã làm thì chi phí chỉ tăng khoảng 1 – 3% và chi phí sẽ tuỳ thuộc vào bộ công cụ xanh áp dụng theo từng công trình”, ông Bách nói.
Câu chuyện vốn và tài chính cho bất động sản xanh
Ở Việt Nam, khi nhắc tới công trình tiết kiệm năng lượng, điều đầu tiên chủ đầu tư nghĩ đến là chi phí sẽ tăng thêm bao nhiêu. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng ta bị ảnh hưởng bởi những tính toán liều và ẩu trên thị trường nên khiến chi phí cho hệ thống kỹ thuật bị “phóng đại” lên rất nhiều. Tuy nhiên, nếu sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, nó không những làm giảm việc tiêu thụ năng lượng mà còn giảm chi phí vận hành mỗi năm.
Ông Trần Thành Vũ – Chủ tịch Hội Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng chia sẻ rằng, điều đáng buồn ở đây đó là mô hình dự báo này chưa xuất hiện ở Việt Nam, chính vì vậy không phải chủ đầu tư nào cũng hiểu rõ điểm này.
“Nhu cầu công trình xanh là có thật và doanh nghiệp cũng mong muốn dự án của mình đạt chứng chỉ xanh không chỉ vì vấn đề thương hiệu doanh nghiệp mà còn mong muốn cư dân tại dự án của mình có thể sống trong môi trường xanh, đảm bảo sức khoẻ và an toàn”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, phân loại công trình tiết kiệm năng lượng là cơ sở then chốt để “mở chốt” các ưu đãi về thuế, lãi vay, tầng cao, mật độ xây dựng, thủ tục cấp phép xây dựng…
Theo ông Hoàng Anh Dũng – chuyên gia Năng Lượng của công ty responsAbility investment AG và quỹ GCPF, bất động sản xanh là một xu hướng đầu tư vô cùng tiềm năng trong tương lai. Nguồn vốn đổ vào bất động sản xanh vô cùng nhiều, tuy nhiên còn tương đối nhiều bất cập nên hiện trên thị trường có rất ít dự án liên quan.
Lý giải điều này, ông cho rằng nguyên nhân chính là do chưa có sự kết nối chính thức nào giữa Nhà nước và chủ đầu tư: Nhà nước chưa hề có bất kỳ chính sách khuyến khích nào cho chủ đầu tư thấy rõ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm bất động sản còn nằm trong danh sách hạn chế bởi ngân hàng Nhà nước. Lý do cuối cùng là rất ít chủ đầu tư đưa ra được phương hướng cụ thể về vấn đề xây dựng sản phẩm chắc chắn vươn tới khách hàng
Theo ông Dũng, đòn bẩy tài chính kích thích phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ kỹ thuật, đầu tư dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí CO2, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo đồng thời giảm tiêu cực đến môi trường và xã hội.
“Cần có thêm chính sách khuyến khích từ Chính phủ, bộ ngành cho các dự án bất động sản xanh cũng như cơ chế, quy trình phát triển cụ thể. Chủ đầu tư cần có chiến lược phát triển như nếu thiên về toà nhà văn phòng thì tiết kiệm năng lượng quan trọng, còn về nhà ở thì tiện nghi, thoải mái, nhiệt độ sẽ là điều mà khách hàng quan tâm. Từ đó, áp dụng các tiêu chuẩn xanh khác nhau để giảm được chi phí phát triển”, ông Dũng đưa kiến nghị.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, việc thu hút vốn vào bất động sản xanh thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài rất hạn chế vì bất động sản nói chung là sản phẩm khá rủi ro. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã thành công khi phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt, cam kết cho cộng đồng rất tốt, cùng với đó là doanh nghiệp cũng có định hướng và chiến lược rõ ràng trong phát triển cũng như nắm được các yêu cầu của tổ chức quốc tế.
Bà Nguyễn Bích Ngọc – CEO & Founder Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cũng bổ sung thêm: “Việc phát hành trái phiếu xanh là vấn đề mà các tập đoàn, chủ đầu tư lớn cần quan tâm. Vì đó không chỉ là câu chuyện thu hút vốn để phát triển mà còn khẳng định thương hiệu doanh nghiệp. Các quỹ nước ngoài họ yêu cầu cao nên chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác đến với các quỹ để tìm kiếm sự tư vấn, qua đó sẽ có định hướng để thu hút vốn trong tương lai”.
“Công trình xanh là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hậu Covid-19. Khi làm công trình xanh cần có góc nhìn đa chiều hơn và tài chính xanh cần được phát triển như một chìa khóa để thúc đẩy phát triển công trình xanh”, ông Bách cũng nhận định thêm.