Công trình như “tổ ong” đón gió, gần 1.000 cửa sổ tự làm mát như điều hòa

Với 953 cửa sổ có mái được trang trí công phu, “cung điện gió” Hawa Mahal thu hút hàng triệu du khách tới thăm mỗi năm.

Được mệnh danh “Cung điện gió”, Hawa Mahal là một trong những cung điện đẹp nhất Ấn Độ, nằm tại Jaipur, thành phố lớn nhất bang Rajasthan.

Ngắm “cung điện gió” có gần 1.000 cửa sổ với khả năng tự làm mát ở Ấn Độ (Video: CNN).

Công trình được Hoàng đế Pratap Singh xây vào năm 1799, lấy ý tưởng mô phỏng vương miện của nữ thần Krishna tỏa sáng dưới ánh mặt trời.

Với chiều cao khoảng 26,5m và 953 cửa sổ có mái được trang trí công phu, công trình còn được ví như “chiếc tổ ong” đón gió, giúp điều hòa lưu thông không khí.

Công trình như
“Cung điện gió” có gần 1.000 cửa sổ (Ảnh cắt từ clip).

Cung điện gió gồm 5 tầng làm bằng đá sa thạch ánh hồng. Mục đích ban đầu của Hawa Mahal được xây dựng như khu phức hợp đặc biệt dành riêng cho phụ nữ hoàng gia. Tại đây, họ có thể ngắm nhìn cuộc sống của người dân qua những ô cửa sổ mà không cần lộ mặt trước công chúng.

Tiến sĩ Mahendra Khadgawat, giám đốc Cơ quan Khảo cổ và Bảo tàng Bang Rajasthan, cho biết, tập tục này vốn tồn tại ở Ấn Độ suốt thời gian dài. Theo đó, các phụ nữ đặc biệt ở tầng lớp thượng lưu, phải giấu mình khỏi ánh mắt của công chúng.

Công trình như
Công trình là một trong những niềm tự hào của thành phố Jaipur (Ảnh: Trip).

Còn với ngày nay, Hawa Mahal là công trình được coi như ví dụ điển hình cho thấy kiến thức chuyên sâu trong thiết kế của Ấn Độ.

“Gió thổi vào cung điện từ phía tây. Nó hút hơi ẩm từ hồ nước trong sân. Không khí nóng bốc lên còn không khí mát rơi xuống”, anh Shyam Thakkar, kiến trúc sư tại thành phố Jaipur, phân tích.

Còn với một hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm hơn 20 năm như anh Sanjay Sharma, công trình rất đặc biệt.

“Một số tầng có cửa sổ che bằng kính màu. Số khác lại là cửa sổ mở. Tỷ lệ không gian mở trên mỗi tầng được điều chỉnh theo mùa sử dụng, giúp công trình trở thành nơi có thể thích nghi trước biến đổi khí hậu”, anh Sharma nói.

Công trình như
Không gian bên trong “cung điện gió” (Ảnh: Travel).

Được biết, cung điện không có lối ra vào trực tiếp. Du khách muốn ghé thăm phải đi từ cửa vào của Cung điện thành phố (City Palace).

Năm 2005, chính quyền địa phương đã cải tạo, bổ sung thêm thang máy, hỗ trợ việc tham quan thuận tiện, an toàn hơn.

Đến nay, ước tính công trình thu hút khoảng một triệu du khách tới thăm mỗi năm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích