Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu, Thách thức và Cơ hội

Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu, Thách thức và Cơ hội

Lam Vy –  Thứ tư, 15/12/2021 15:35 (GMT+7)

Trong những năm vừa qua, Việt Nam ghi nhận hàng loạt các bản án lớn dành cho tội phạm về ĐVHD. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu, hay còn gọi như các “ông trùm” buôn bán ĐVHD đã bị bắt giữ, khởi tố và phải nhận các mức án tù nghiêm khắc.

Thành tựu: Những chuẩn mực mới trong cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên toàn quốc đã được thiết lập với các bản án ngày một nghiêm khắc với loại tội phạm này.

Hoạt động bắt giữ, xử lý những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn cùng với những bản án ngày càng nghiêm khắc với loại tội phạm này đã và đang góp phần triệt tiêu các đường dây buôn bán động vật hoang dã, phòng ngừa, răn đe và từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), sự ra đời của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – có hiệu lực từ 1/1/2018 – BLHS) là một bước tiến quan trọng và là động lực cho những thay đổi tích cực trong công tác xử lý tội phạm ĐVHD ở Việt Nam thời gian vừa qua.

tm-img-alt
Bốn đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép cùng bản án.

Trong đó, hơn 95% (116/122) các vụ án hình sự liên quan tới động vật hoang dã phát hiện trong năm 2020 có đối tượng vi phạm bị bắt giữ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ được ghi nhận trong giai đoạn 2015 – 2019, trung bình đạt khoảng 87%. Trong đó, 84,5% (98/116) vụ án bị phát hiện trong năm 2020 có đối tượng bị bắt giữ đã được đưa ra xét xử. Tương tự như vậy, con số này cũng cao hơn tỷ lệ ghi nhận trong giai đoạn 2015-2019 là 77%.

tm-img-alt
Một số án phạt tù trên 10 năm dành cho tội phạm về động vật hoang dã

Bên cạnh đó, 50% các vụ án được đưa ra xét xử trong năm 2020 có áp dụng hình phạt tù với các bị cáo có liên quan. Mức hình phạt tù trung bình với các đối tượng được đưa ra xét xử trong năm 2020 cũng đạt 4,25 năm tù giam. Những bản án nghiêm khắc trên 10 năm với các đối tượng tội phạm về ĐVHD cũng không còn xa lạ trong thời gian gần đây.

Mới đây nhất, ngày 4/12/2021, một đối tượng đã bị kết án 14 năm tù giam trong vụ án phát hiện 126kg sừng tê giác bị vận chuyển trái phép qua sân bay Nội Bài – Đây là bản án cao nhất đối với tội phạm về ĐVHD được ghi nhận từ trước đến nay.

tm-img-alt
Đối tượng Đỗ Minh Toản đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù – Mức án phạt cao nhất dành cho tội phạm về ĐVHD từng được ghi nhận (Ảnh: Báo ANTĐ)

Những con số này đã phần nào cho thấy hiệu quả trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD trong năm 2020 nói riêng và từ khi BLHS có hiệu lực nói chung.  Tinh thần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã tạo nên những chuẩn mực mới trong cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về ĐVHD thời gian vừa qua.

Thách thức: Góc nhìn của quốc tế và “Gót chân Asin” của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm ĐVHD tại Việt Nam

Mới đây, Tạp chí Mongabay – Trang thông tin, tin tức về thiên nhiên quốc tế đã có một bài viết với tiêu đề tạm dịch “Việt Nam là trung tâm của nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và cũng là vùng đất vô pháp cho loại tội phạm này”. Trong đó, nội dung bài viết cho rằng Việt Nam còn thiếu những giải pháp hiệu quả để xử lý tội phạm về ĐVHD.

Bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng trên khắp cả nước, theo nhận định của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới. Một báo cáo gần đây của Tổ chức điều tra môi trường (EIA) cũng nhận định “dấu chân tội phạm về ĐVHD của người Việt Nam rải khắp châu Phi”.

Theo đó, các nhóm tội phạm về ĐVHD do người Việt cầm đầu đã và đang hoạt động tại châu Phi gần hai thập kỷ, góp phần không nhỏ vào sự phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây.  Theo đánh giá của ENV, một số nhận định tương tự như trên chưa thật sự khách quan và thiếu toàn diện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn tồn tại “Gót chân Asin” trong việc xử lý tội phạm về ĐVHD đặc biệt là trong công tác xử lý các vụ việc liên quan đến một khối lượng lớn ĐVHD phát hiện tại khu vực cảng biển của Việt Nam.

Cũng theo ghi nhận của ENV, từ năm 2018, không có đối tượng nào đứng sau các vụ phát hiện, tịch thu hàng tấn ĐVHD tại cảng biển bị đưa ra xét xử, mặc dù khối lượng tang vật tịch thu đã lên tới hơn hơn 50 tấn ĐVHD trong đó có khoảng 15,3 tấn ngà voi và 36,6 tấn vảy tê tê.

Cơ hội: Vụ 138kg sừng tê giác phát hiện tại cảng Đà Nẵng – Phép thử cho công tác xử lý tội phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã (ĐVHD)

Sáng ngày 18/07/2021, Cục Hải quan Thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan đã kiểm tra lô hàng nhập từ Nam Phi về cảng Đà Nẵng, phát hiện 138kg sừng tê giác cùng 3,1 tấn xương động vật nghi là xương sư tử không có nguồn gốc hợp pháp. Đây được cho là vụ án buôn lậu sừng tê giác lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam từ 2015 đến nay. Theo đại diện ENV, vụ án này chính là “phép thử” cho công tác xử lý tội phạm nghiêm trọng về ĐVHD.

Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ: Các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng hoan nghênh trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD. Dẫu vậy, những nỗ lực này vẫn chưa được cộng đồng quốc tế ghi nhận đúng đắn, một phần là do thách thức trong công tác xử lý các vụ án liên quan đến hàng tấn ĐVHD phát hiện tại các khu vực cảng biển.

ENV cho rằng vụ án liên quan đến 138kg sừng tê giác và hơn 3 tấn xương ĐVHD này chính là phép thử đối với cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cũng như với công tác xử lý tội phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã. Thành công trong công tác giải quyết vụ án này và việc đưa những đối tượng đứng đằng sau lô hàng ĐVHD này ra xét xử sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho cộng đồng quốc tế về quyết tâm không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD của Việt Nam và cũng là động lực tạo ra thay đổi thực sự trong cuộc chiến phòng ngừa tội phạm về ĐVHD”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích