Công tác truyền thông phải đến được với người dân

Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức – Hành động – Nguồn lực”, ngoài điểm cầu Trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi kỹ về nội hàm, phương thức và thống nhất nhận thức, hành động; có các giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới.

Mọi chính sách đều hướng đến người dân

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.

Công tác truyền thông phải đến được với người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức – Hành động – Nguồn lực” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Công tác truyền thông phải đến được với người dân. Hội nghị hôm nay có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; “người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện”.

“Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nêu rõ.

Sản phẩm từ Hội nghị sẽ là ban hành một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, nhân dân.

Có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông” ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Công tác truyền thông phải đến được với người dân
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo ông Lâm, gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh. Nguyên nhân một phần là từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…

Theo kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tại 59 cơ quan là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác truyền thông chính sách, cho thấy chưa có sự nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông; 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác.

Hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu (vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách), nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn…

Công tác truyền thông phải đến được với người dân
Toàn cảnh Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách) như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này…

Phải có công cụ đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…) để thấy rằng có cách làm hiệu quả, không hiệu quả.

Riêng với hệ thống các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách…

Trong điều kiện kinh tế thị trường, có thể xem xét công tác truyền thông chính sách là một dịch vụ sự nghiệp công mà nhà nước cần cung cấp cho xã hội và Nhà nước thực hiện việc này một phần thông qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở.

P.Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích