Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đạt được nhiều thành tựu lớn

Theo báo cáo tổng kết của Bộ KH&CN, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 – 2025.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi và khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, doanh nghiệp; quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, trong năm 2023, toàn ngành KH&CN đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đặc biệt, về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

 Ảnh minh hoạ

Tính đến nay, đã công bố gần 14.000 TCVN và hơn 800 QCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%), thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bộ KH&CN cũng đã tham mưu, xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo: Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tờ trình số 2777/TTr-BKHCN ngày 19/8/2023); Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 (Tờ trình số 1542/TTr-BKHCN ngày 26/5/2023); Đề án Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 (Tờ trình số 3215/TTr-BKHCN)

Đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thực hiện tốt công tác chuyên môn về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; duyệt mẫu phương tiện đo, cấp đăng ký hoạt động về lĩnh vực đo lường, cấp thẻ kiểm định viên. Ban hành Quyết định số 366/QĐ-BKHCN ngày 04/3/2023 của Bộ KH&CN về việc công bố bổ sung sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN. Thành lập Tổ công tác triển khai áp dụng TCVN ISO 18091:2020 tại các địa phương và ban hành tài liệu hướng dẫn về phương pháp tự đánh giá và bộ chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020.

Bộ KH&CN đang triển khai việc xây dựng Trung tâm chứng nhận HALAL của Việt Nam. Phối hợp với UBND TP.Hải Phòng triển khai áp dụng thí điểm Hệ thống quản lý chất lượng và hoạt động của chính quyền địa phương (TCVN ISO 18091:2020). Hoàn thiện, sớm đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích