Công tác quản lý tài nguyên và môi trường Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực

(TN&MT) – Chiều 15/7, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ đã đáp ứng được yêu cầu về sử dụng đất cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Giảm thiểu tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, không đúng mục đích, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương từng bước khắc phục những tồn tại, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo thẩm quyền; tình trạng lấn chiếm đất đai đã được ngăn chặn, không để xảy ra lấn, chiếm đất đai mới và tập trung xử lý kiên quyết các tồn tại cũ.

Quang cảnh buổi làm việc

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 7.760 hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đã giải quyết 6.942 hồ sơ, trong đó số hồ sơ trả đúng và trước hạn là 6.904 hồ sơ (chiếm 99,46%). Bình quân có khoảng 1.300 hồ sơ/tháng được Sở tiếp nhận giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tại 11 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 46.721 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 43.787 hồ sơ với tỷ lệ đúng và sớm hạn chiếm 98,1%.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở theo Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) theo đúng lộ trình. Giảm số lượng đơn vị trực thuộc Sở từ 3 chi cục, 05 đơn vị sự nghiệp xuống còn 02 chi cục, 3 đơn vị sự nghiệp. Sau khi sắp xếp đã giảm 10 vị trí lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị trực thuộc Sở; giảm 162 biên chế viên chức.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo sửa đổi của Trung ương (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh). Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên và môi trường tạo cơ chế cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nhằm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tăng cường công tác phối hợp, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, góp phần phòng chống dịch COVID-19, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi làm việc 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao, ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý về tài nguyên và môi trường trong thời gian qua và thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.

Nhận định dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm khắc phục những tồn tại liên quan đến công tác quản lý đất đai, xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, khai thác tài nguyên khoáng sản, xử lý môi trường nông thôn, tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ công chức nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất đo đạc bản đồ, hồ sơ địa chính làm cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển của tỉnh.

Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư. tích cực hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án Bảo vệ môi trường thu gom rác thải nông thôn. Sở cần siết chặt công tác đánh giá tác động môi trường liên quan đến xử lý chất thải, rác thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép nhằm phát hiện chấn chỉnh kịp thời những trường hợp sai phạm. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bạn cũng có thể thích