Công nhận mới 04 Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024
(Xây dựng) – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Trần Việt Phường vừa trao Quyết định “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024” cho 04 điểm du lịch: Điểm du lịch đồi Tức Dụp – An Giang, Cảng du thuyền Mỹ Tho – Tiền Giang; Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô – Trà Vinh và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao Quyết định công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024”. |
Điểm du lịch đồi Tức Dụp (ấp Ninh Hòa, xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) diện tích 21,6ha, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, xác lập kỷ lục Việt Nam “Hang động được tạo ra từ các khối đá granit tự nhiên dài nhất Việt Nam”. Hàng năm, đồi Tức Dụp đón hơn 100.000 lượt khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Đồi Tức Dụp còn mệnh danh là “ngọn đồi 2 triệu đô la”. Đó là trận đánh lịch sử từ đêm 16, rạng sáng ngày 17/11/1968 đến ngày 24/03/1969, tổng cộng 128 ngày đêm. Trong cuộc chiến đấu ác liệt suốt 128 ngày, đêm tại đồi Tức Dụp, Mỹ – Ngụy huy động các Sư đoàn ngụy số 7, 9, 21, thuộc Vùng 4 chiến thuật, cùng các liên đoàn biệt động, thiết xa, pháo binh, với các loại phi cơ oanh tạc, máy bay chiến đấu…, nhằm tiêu diệt căn cứ cách mạng. Nhưng với tấm lòng yêu nước, hy sinh không ngại gian lao, quân dân ta đã giành chiến thắng oai hùng.
Đồi Tức Dụp mệnh danh là “Ngọn đồi 2 triệu đô la”. |
Quân đội Mỹ thiệt hại khoảng 4.700 tên lính cùng nhiều máy bay, xe tăng… bị bắn cháy. Ước chừng tiêu tốn khoảng 2 triệu đô la Mỹ nhưng vẫn chưa thể đánh hạ ngọn đồi này. Ngày 25/3/2024 vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng đồi Tức Dụp – 128 ngày đêm (18/11/1968 – 25/3/1969).
Đến nay, đồi Tức Dụp đã trở thành điểm du lịch di tích lịch sử-văn hóa, với nhiều dịch vụ như: Tham quan hang động, leo đá dã ngoại, tham quan nhà trưng bày di tích lịch sử, tham quan suối cá thần, đồi mộng mơ, thác đá tiên tắm, thưởng thức đặc sản ẩm thực vùng Thất Sơn… Đồi Tức Dụp đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” nhiều năm qua, nay được tái công nhận (sau 3 năm khảo sát thẩm định tái công nhận) là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024”.
Bến du thuyền Mỹ Tho. |
Cảng du thuyền Mỹ Tho (Hoàng Sa, phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang). Đây là cảng du thuyền lớn nhất khu vực ĐBSCL. Cảng du thuyền Mỹ Tho có cầu cảng chính 1.217,8m2, nhà ga chính 5.960,08m2, khu công viên bờ sông và sân bãi 4.108,32m2. Tổng công suất phục vụ khoảng 4.000 khách/ngày, bao gồm 06 tàu khách tuyến Mỹ Tho – Campuchia/ngày, 10 tàu cao tốc nhận trả khách cùng thời điểm và ghe đưa rước khách du lịch loại nhỏ. Hàng năm, Cảng du thuyền Mỹ Tho đón hơn 250.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ du lịch.
Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô (ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) vừa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL 2024” có diện tích 25ha và 21 hộ dân sinh sống, với 66 nhân khẩu.
Du khách nước ngoài tham quan trải nghiệm Cồn Hô. |
Cồn Hô được bao bọc bởi sông Cổ Chiên, được thiên nhiên ban tặng lợi thế tài nguyên hệ sinh thái đa dạng, phong phú các vườn cây ăn trái sum xuê, lợi thế phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm dựa vào cộng đồng. Hiện tại, Cồn Hô thường được gọi là “ốc đảo” do địa hình tách biệt đất liền. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không gian sống đúng chất. Một cù lao không có điện, nơi chỉ có vườn cây ăn trái cùng những con người hiền hòa, mến khách.
Các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu phục vụ du khách là nguyên liệu từ trong vườn nhà, nhân sự cũng chính là chủ nhà theo mô hình du lịch “tự thân”. Ấn tượng với du khách khi đến đây là bắt gặp lại những hình ảnh xa xưa của nông thôn miền Tây với hình ảnh chiếc đèn dầu. Du khách sẽ được thưởng thức trà hoa đậu biếc, đậu phộng luộc, ăn trứng gà bọc đất sét nướng rơm, bưởi da xanh ruột đỏ, trải nghiệm ngâm chân thảo dược, bơi ghe xuồng, câu cá, xem quy trình nấu rượu truyền thống, cảm nhận nhịp sống bình yên, thưởng thức các món chè bưởi, mứt bưởi, mứt dừa… và thưởng thức ẩm thực dân gian đặc sắc của Cồn Hô. Du khách hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đến tham quan, khám phá và trải nghiệm Cồn Hô.
Bảo tảng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh có diện tích trên 10.000m2, diện tích xây dựng là 1.700m2, được khởi công xây dựng năm 1992 và hoàn thành năm 1996. Khánh thành đưa vào sử dụng ngày 14/11/1997 nhân dịp lễ hội Óoc Om Bóc của đồng bào dân tộc Khmer.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. |
Bảo tảng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh có 05 phòng trưng bày và khu trưng bày ghe Ngo, với nhiều hiện vật và di sản của đời sống người dân Khmer. Du khách đến đây có thể tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về các giá trị văn hóa dân tộc… Hàng năm, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh đón tiếp hơn 40.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận mới 3 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024”, như vậy đến nay toàn vùng ĐBSCL có tất cả 56 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Đây là những điểm du lịch nổi trội, nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách.
Nguồn: Báo xây dựng