Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh

(Xây dựng) – Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vửa sản xuất linh kiện ô tô đang rơi vào bẫy năng suất thấp. Vì vậy, cần phải thúc đẩy khu vực này chuyển đổi toàn diện, từ mục đích, quy trình, con người đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tới 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu dây điện ô tô đứng thứ 3 thế giới

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tốt, với triển vọng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 5,5 – 6%. Đây là tín hiệu thuận lợi để thị trường ô tô, xe máy có cơ hội phát triển mạnh mẽ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định tại Hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu”, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ (Vietnam AutoExpo 2024) diễn ra mới đây.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số hơn 100 triệu người, cao thứ 3 khu vực Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 4.100 USD/người và dự kiến sẽ tăng lên gần 5.000 USD/người vào năm 2030, Việt Nam đang có những cơ hội lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ… Các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được triển khai mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng đầu tư sản xuất ở quy mô lớn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 2,835 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô từ nước ngoài; nhiều nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tới 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài, nhiều nhất là tới các thị trường Nhật Bản và Mỹ; trong đó, riêng nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.

Đáng mừng, theo TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô đã tăng nhanh trong những năm gần đây, từ mức 12% vào năm 2018 lên 25% vào năm 2023. Xu thế của các doanh nghiệp là gia tăng giá trị sản phẩm; thay vì tập trung vào linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).

Như vậy, có thể khẳng định, ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang còn nhiều dư địa phát triển.

Mong chính sách đột phá trong sản xuất, lắp ráp xe xanh

Mặc dù vậy, theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Hiện, các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô thị trường và sản xuất ô tô còn nhỏ dẫn đến khó phát triển chuỗi cung ứng.

Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Trương Thị Chí Bình cho biết, sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: những hoạt động có giá trị cao, được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và những thương hiệu lớn trong nước; các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nhiều doanh nghiệp đang rơi vào bẫy năng suất thấp. Vì vậy, để phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành sản xuất linh kiện Việt Nam, cần phải chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện dựa trên 3 động lực chuyển đổi từ mục đích, quy trình, con người; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh.

Đại diện VAMA xác nhận, để sản xuất, lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện, đòi hỏi ngành công nghiệp ô tô phải có một nền tảng công nghiệp lớn. Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 phải xác định công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, họ đang rất chờ đợi hệ thống chính sách khuyến khích mang tính đồng bộ và đột phá để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh. Theo đó, chính sách cần khuyến khích và huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong nước; thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới, phát triển công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông; đồng thời phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp để tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô toàn cầu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích