Công nghiệp bán dẫn – Nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng

(Xây dựng) – Ngành Công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội và thách thức đối với nước ta.

Công nghiệp bán dẫn - Nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng
Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Nguồn nhân lực là yếu tố được các đối tác trông chờ

Hiện nay, ngành Công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Do nhiều lý do khác nhau, lĩnh vực này đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với nước ta, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn - Nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng
Nhân lực ngành bán dẫn cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, với mục tiêu đào tạo 50 – 100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Trao đổi về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án.

Một là, đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Ba là, đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Thứ tư là, thu hút chuyên gia, nhân tài; Năm là, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Sáu là, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; Bảy là, các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Việt Nam là trung tâm toàn cầu

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, khi làm Chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, Bộ trưởng có đánh giá về lợi thế của Việt Nam.

Thứ nhất, lợi thế địa chính trị liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu như lấy Việt Nam làm tâm quay vòng tròn thì sẽ gồm 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Nghĩa là Việt Nam là trung tâm toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế là người Việt Nam có gene về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng (X+1), tức là toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chứ không chỉ là sản xuất. Kể cả nghiên cứu phát triển thì cũng đặt vấn đề X+1 tức là nhân lực và nghiên cứu bán dẫn. Hiện Mỹ cũng có nhu cầu thêm nguồn sản xuất nhân lực thiết kế chip từ các quốc gia khác, Việt Nam là một trong số ít nước này. Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn; sự thiếu hụt này trên toàn cầu nhưng là ngắn hạn, không phải dài hạn.

Công nghiệp bán dẫn - Nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng
Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu. Chúng ta có lắp ráp, có thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.

PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm tuyển sinh khoảng trên dưới 6.000 sinh viên nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (bao gồm cả đào tạo đại học và tiến sĩ), điện tử viễn thông… Kết quả đào tạo được doanh nghiệp đánh giá cao. Thống kê từ Tập đoàn Synopsys là tập đoàn thiết kế vi mạch, hiện nay 54% kỹ sư vi mạch tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu các công ty tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng tôi cung cấp trên dưới 70 – 80%.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho hay, cơ sở đào tạo của chúng tôi cũng đang cung cấp nguồn nhân lực khoảng hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này. Đồng thời cũng có hệ thống phòng thí nghiệm, tuy nhiên những phòng thí nghiệm này chưa tích hợp được công đoạn của công nghiệp bán dẫn.

Trong lĩnh vực này, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều hoạt động để triển khai Đề án mà Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ví dụ như xây dựng các chương trình đào tạo do doanh nghiệp đặt hàng, như Công ty Samsung Electronics đã làm việc với Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất từ năm tới sẽ tuyển sinh chương trình thạc sĩ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích