Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: “Trăm hoa đua nở”,mỗi nơi một kiểu

Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: “Trăm hoa đua nở”,mỗi nơi một kiểu

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2022, trung bình mỗi năm có khoảng gần 2 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng  hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 – 9.000 tấn rác thải.

Có thể thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì mức độ xả rác cũng tăng theo. Chính vì vậy tìm được biện pháp hay công nghệ xử lý rác thải hiệu quả đang là điểm “nóng” còn nhiều vướng mắc, băn khoăn mà chính quyền còn ngập ngừng chờ đợi, người dân mong ngóng.

Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 – 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, để Nghị quyết của Quốc hội không trở thành khẩu hiệu và không rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành. Và nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các độ thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng tiếp nhận, thiết bị, phương tiện vận chuyển, phương pháp xử lý chất thải chưa đồng bộ nên hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn không cao.

Về việc phân loại rác tại nguồn, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án để triển khải tổ chức thực hiện nhằm giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý và tăng cường tái chế, tận dụng tài nguyên. Tuy nhiên việc phân loại rác tại nguồn chủ yếu vẫn là xây dựng mô hình, chưa triển khai diện rộng và trong thời gian dài.

Theo TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn T-Tech Việt Nam cho biết: “Hiện nay Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam đã đầu tư hai nhà máy tại tỉnh Nghệ An và chuẩn bị đầu tư nhà máy thứ ba tại tỉnh Phú Yên. Công tác phân loại rác đầu nguồn ở các địa phương hiện nay chưa được triển khai đáng kể, mới đang ở trạng thái thí điểm. Gần như các chất thải, rác sinh hoạt vào nhà máy chủ yếu là rác khổ lớn, lẫn lộn và chưa được phân loại”.

Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, có khoảng 71% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý ở các nhà máy chế biến phân compost; khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Trăn trở về lựa chọn công nghệ xử lý rác cho tỉnh Nam Định hiện nay, ông Triệu Đức Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Nam Định cho biết: Về công nghệ đốt hiện nay chúng ta rất cần phải suy nghĩ. Hiện ở tỉnh Nam Định câu chuyện lựa chọn công nghệ đốt mất thời gian rất lâu. Hiện nay công nghệ như “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một kiểu vì vậy rất khó để lựa chọn một giải pháp phù hợp, đảm bảo.

Với tư cách là một chuyên gia quốc tế đã làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản ông Hideki Wada, Giám đốc Công ty Vietnam Waste Planning gợi ý: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể hướng tới việc thay đổi công nghệ xử lý chất thải của mình bằng việc hướng tới các công nghệ tiên tiến ví dụ như công nghệ đốt thu hồi năng lượng”.

Giám đốc Công ty Vietnam Waste Planning tin tưởng việc áp dụng công nghệ một cách phù hợp và đã được chứng minh trên thế giới được sẽ cải thiện rất nhiều cho tình trạng xử lý rác thải rắn ở Việt Nam.

“Cho đến hiện tại, tôi nghĩ rằng những lò đốt rác thu hồi năng lượng là một trong những công nghệ đã được phát triển từ rất lâu đời, được chứng minh và áp dụng ở nhiều nơi. Vấn đề có thể quản lý tốt, xử lý được các vấn đề ô nhiễm thứ cấp đối với loại công nghệ này đã được chứng minh ở Nhật Bản, tôi nghĩ rằng đây là một trong những đề xuất đối với việc cải thiện quản lí chất thải rắn của Việt Nam”, ông Hideki Wada nói.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho chia sẻ: Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để ghi nhận, nhiều cố gắng để chuyển đổi các công nghệ xử lý chất thải rắn sao cho phù hợp với đặc thù ở nhiều địa phương, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Bà cũng lấy ví dụ về việc Việt Nam nhập một số công nghệ xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các công nghệ đốt, nhưng đặc thù rác của nước ta không hoàn toàn giống như rác của các nước khác.

“Chúng ta không phân loại rác dẫn đến nguồn rác có rất nhiều loại, không tái chế rác thành những sản phẩm sử dụng được và đôi khi quy trình công nghệ nó chưa hợp lý, ngay việc chôn lấp rác của Việt Nam cũng để lại rất nhiều hậu quả gây ô nhiễm môi trường. Quá trình chôn lấp không hợp vệ sinh sinh ra khí thải của nước gây ô nhiễm môi trường và khối lượng chất thải rắn ngày càng nhiều chúng ta thiếu diện tích đất”, GS.TS. Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết hiện một số công nghệ được Việt Nam áp dụng như công nghệ vi sinh do không được phân loại chất lượng phân vi sinh không tốt dẫn đến khó tiêu thụ.

Ở công nghệ đốt, đôi khi đốt ở quy mô nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải đi kèm, không đạt yêu cầu lại chuyển ô nhiễm rác thải thành ô nhiễm khí thải và nhiều nơi quá trình nước rỉ rác sinh ra không được xử lý. “Cho nên rất nhiều công nghệ tuy đã được áp dụng nhưng chưa triệt để hoàn toàn, còn tác động xấu đến môi trường và chúng ta cần thiết phải cố gắng tìm cách cải thiện và tìm hiểu công nghệ tốt hơn”, bà Đặng Kim Chi nhận định.

Còn Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam Nguyễn Cao Trí cho biết: Để giải quyết được vấn đề rác thải của Việt Nam hiện nay cần phải hài hòa các yếu tố về môi trường, xã hội. Ví dụ, về thành phần rác và cái tính chất rác. Yếu tố thứ hai là về tài chính, đó là cách mà chúng ta kêu gọi vốn đầu tư của tư nhân hoặc của nước ngoài để đảm bảo vốn cho dự án xử lý rác thải. Ngoài ra cũng cần phải xem xét vấn đề là khả năng chi trả hoặc khả năng thanh toán ngân sách của tỉnh tại khu vực dự án. Và cái cuối cùng là cấu trúc dự án. Những cái yếu tố này cần phải được hài hoà với nhau.

Bên cạnh đó là yếu tố về công nghệ trong xử lý rác thải là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta có một số công nghệ xử lý rác thải như công nghệ đốt, công nghệ ủ…, nhưng thực tế vẫn sử dụng công nghệ đốt là chính. 

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Chúng ta phải khẳng định, mỗi một công nghệ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào thành phần, tính chất của chất thải để chúng ta lựa chọn công nghệ phù hợp.

Thứ hai, liên quan đến áp lực về tốc độ đô thị hóa. Khi đời sống người dân được nâng cao, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh tạo áp lực cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Trong khi đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt. Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị.

“Tôi cho rằng, vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách. Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ xử lý khác nhau để phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.”, ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiền, đốt rác và tạo điện một cách hiệu quả thì tối thiểu phải thực hiện phân loại rác một cách phù hợp trước. Phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại.

Một thực trạng nữa mà cả khu vực đô thị và vùng nông thôn đang phải đối mặt là nhiều người dân đang xả rác bừa bãi và lượng rác xả ra không tỷ lệ thuận với lượng rác các nhà máy, đô thị, hộ gia đình xả ra. Hiện nay, chúng ta chỉ phải chi trả một khoản tiền nhất định theo hộ gia đình. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định rất rõ chúng ta không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn hoặc xả rác quá nhiều thì chúng ta phải trả tiền nhiều hơn.

Ông Hiền nhấn mạnh: Đến 11.1.2025 việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm được áp lực về vấn đề xử lý rác thải. Và chúng ta cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đối với chất thải sinh hoạt, chất thải thực phẩm của toàn bộ 63 tỉnh, thành chúng ta cũng cần chuẩn công nghệ để xử lý và lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp thì cũng cần bàn thảo kỹ hơn…

Việt Nam với 100 triệu dân, mỗi năm lượng chất thải rắn sinh hoạt rác thải gia tăng từ 10-16%, sẽ là sự lãng phí rất lớn nếu như khối lượng chất thải này không được xử lý, tái chế, tái sử dụng hiệu quả. Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, thúc đẩy hình thành nên kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích