Công nghệ Viễn thám trong kỷ nguyên số: Dần thay thế sức người

(TN&MT) – Những năm qua, công nghệ viễn thám ngày càng phát triển và được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám Việt Nam và thế giới dự báo có nhiều đổi mới trong ứng dụng vào đời sống xã hội.

Bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội

Tư liệu viễn thám là nguồn thông tin rất quan trọng cho nhiều lĩnh vực như bản đồ, điều tra và quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Với ưu thế phong phú thông tin, phản ánh một cách chính xác sự phân bố và trạng thái của các đối tượng trên mặt đất, mặt nước cũng như các mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các đối tượng cùng các hoạt động nên công nghệ này đã bao quát được hầu hết các mặt đời sống, kinh tế – xã hội khi có được hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu, nhận, phân tích ảnh.

Ảnh viễn thám có thể thu nhận bằng nhiều kỹ thuật khác nhau nên có thể cung cấp được nhiều loại thông tin quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực. Kỹ thuật viễn thám cho phép thu được thông tin nhanh cùng lúc trên những vùng rộng lớn đến phạm vi cả nước, khu vực, kể cả những vùng con người khó đến được và đảm bảo hình ảnh thực tại thời điểm chụp. Đồng thời, cho phép thu nhận thông tin lặp lại theo các chu kỳ khác nhau (hàng ngày, 5 – 26 ngày, mùa, năm…) nhờ đó, sử dụng tư liệu viễn thám có thể theo dõi sự biến động của nhiều đối tượng một cách liên tục, tự động mà không cần nguồn nhân lực đến tận nơi ghi nhận.

 

Sự phát triển các vệ tinh viễn thám thương mại công khai cho phép thu nhận được tư liệu ảnh với độ phân giải trung bình (30 – 20m), cao (10 – 3m) và siêu cao (2 – 1m); ảnh vệ tinh siêu phủ chụp một lúc 200 kênh. Nhờ đó, có thể tiến hành khảo sát, nghiên cứu thông tin đồng thời ở những mức độ khác nhau, khái quát đến chi tiết một khu vực hay một đối tượng nghiên cứu.

Sử dụng tư liệu viễn thám cho phép giảm bớt quá trình điều tra, khảo sát… tại thực địa, giúp tiết kiệm chi phí. Do vậy, viễn thám không chỉ đem lại hiệu quả về khoa học công nghệ, mà còn đem lại hiệu quả về kinh tế.

Công nghệ viễn thám đã trở thành công nghệ hiệu quả nhất để giám sát các đối tượng biến động trong không gian và thời gian cho các mục đích quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai và quân sự. Ngày nay, khó có thể liệt kê được đầy đủ các lĩnh vực ứng dụng công nghệ viễn thám trên thế giới. Hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám về khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội rất lớn và thường không tính được bằng tiền.

Tận dụng tri thức, từng bước nắm bắt công nghệ mới

Công nghệ viễn thám ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của công nghệ viễn thám của thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có thể sẽ rất khác so với công nghệ hiện tại đang sử dụng và nhiều khái niệm mới về hệ thống viễn thám, công nghệ viễn thám cũng sẽ ra đời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích dự báo và nắm bắt được các xu thế đó để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ phù hợp. Việc “đi tắt đón đầu” sẽ tận dụng được tri thức của nhân loại cũng như rút ngắn khoảng cách về trình độ thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ.

Để đón đầu xu thế mới, Cục Viễn thám quốc gia cho rằng, cần ưu tiên các nhóm công nghệ chủ chốt của lĩnh vực trong giai đoạn tới, tập trung sự đầu tư nghiên cứu, phát triển vào các nhóm công nghệ này. Ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, hiện Cục đang tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; mạng lưới trạm thu viễn thám; hệ thống lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu viễn thám; mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt trái đất từ các thiết bị bay không người lái, kinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Đồng thời ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.

Bạn cũng có thể thích