Công nghệ thông tin ngành TN&MT: Góp phần giải quyết thủ tục hành chính
(TN&MT) – Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 2612/QĐ-BTNMT về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, trọng tâm là cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Theo Vụ Tổ chức cán bộ, thời gian qua, Bộ TN&MT đã chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác CCHC; thường xuyên quán triệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, sự phối hợp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ CCHC; gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; đưa nội dung, kết quả thực hiện CCHC vào nội dung giao ban định kỳ; lồng ghép nhiệm vụ CCHC với các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
Bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung CCHC để từng bước nâng cao hiệu quả CCHC và cải thiện các chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).
Theo đó, Chỉ số CCHC của Bộ giai đoạn 2016 – 2021 được cải thiện tăng dần đều qua các năm. Năm 2016, Chỉ số CCHC của Bộ đạt 49.53 điểm, xếp thứ 16/19; năm 2017 đạt 50.94 điểm, xếp thứ 10/19; năm 2018 đạt 52.17 điểm xếp thứ 9/18; năm 2019 đạt 54.16 điểm, xếp thứ 7/17; năm 2020 đạt 58.32, xếp thứ 5/17 (thứ hạng cao nhất mà Bộ đạt được trong 9 năm kể từ năm đánh giá).
Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Bộ TN&MT |
Để nâng cao hơn nữa hoạt động cải cách TTHC, Kế hoạch CCHC năm 2022 của Bộ TN&MT sẽ tiếp tục kiểm soát quy định TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đơn giản, cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi).
Đặc biệt, rà soát đề xuất đơn giản hóa TTHC theo hướng quy định TTHC thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến; bãi bỏ các thành phần hồ sơ mà có thể khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp hoặc thành phần hồ sơ đã được lưu tại cơ quan giải quyết TTHC; cắt giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; tính toán chi phí tuân thủ khi cắt giảm TTHC.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, ban hành và chuẩn hóa quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các lĩnh vực theo hướng điện tử hóa, chú trọng đến việc liên thông giải quyết TTHC giữa các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ; Cải tiến và nâng cấp các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đặc biệt hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa điện tử, bảo đảm kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tăng dần mức độ cung cấp, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đối với các TTHC thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường, tình hình giải quyết TTHC thuộc chức năng quản lý của Bộ; các kiến nghị đề xuất đơn giản hóa quy định, TTHC thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức đối thoại, giải đáp trực tuyến để giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; kiểm tra việc giải quyết TTHC của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ trưởng yêu cầu, trong năm 2022, sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, quy định kỹ thuật phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số năm 2023, Kế hoạch Bảo đảm an toàn thông tin mạng của Bộ giai đoạn 2021 – 2025; tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của Bộ năm 2022.
Xây dựng, vận hành hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường; triển khai Chính phủ điện tử tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường (phiên bản 2.1). Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử.
Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẽ dữ liệu nhằm đơn giản hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, vận hành Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; duy trì, vận hành Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với chữ ký số; bảo đảm an ninh, bảo mật, hỗ trợ kỹ thuật các đơn vị thuộc Bộ; liên thông hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương.
Triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối, liên thông với địa phương, các Bộ, ngành phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, triển khai xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành các lĩnh vực; tổ chức thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; triển khai Đề án hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ điện tử trong tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Duy trì 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử; 100% văn bản, tài liệu (không mật) là văn bản điện tử, trao đổi trên môi trường mạng và kết nối, gửi nhận văn bản trên trục liên thông với Chính phủ, các Bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cần phổ biến đưa lên Cổng Thông tin. Phấn đấu đạt 100% văn bản điện tử xác thực chữ ký số.