Công nghệ mới phát hiện các tác nhân gây dị ứng

Với nhiều người đi ăn hàng là một niềm vui nhưng với 5% những người bị dị ứng thực phẩm, việc này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các vụ dị ứng thực phẩm gây ra phản ứng phát ban nhẹ và vấn đề tiêu hóa, nhưng cũng có trường hợp dẫn đến sốc phản vệ, một phản ứng viêm rất mạnh, gây sưng tấy đến mức làm tắc nghẽn đường thở bệnh nhân, hạ huyết áp và làm tăng hoặc chậm nhịp tim.

Nhưng thực tế rất khó tránh tiếp xúc với các loại thực phẩm gây dị ứng do một vài loại trong số đó rất phổ biến, chẳng hạn như lạc. Có thể các thực phẩm này không có mặt trực tiếp trong đồ ăn, nhưng “lây nhiễm chéo” trong quá trình sản xuất và chế biến. Hiện nay, một loạt các thiết bị công nghệ quét thực phẩm đang được phát triển, có khả năng phát hiện các protein tác nhân gây dị ứng trong đồ ăn.

Nhưng ngay cả khi có các thiết bị quét thì vẫn chưa rõ đâu là các protein có thể gây dị ứng. Đặc biệt là hải sản, thường gây ra các phản ứng dị ứng bằng các nguyên nhân hóa học chưa được xác định. Do đó các thiết bị sẽ không biết phải quét tìm những protein nào trong đồ ăn.

Kỹ thuật mới cho phép các nhà nghiên cứu xác định các tác nhân gây dị ứng chưa từng được biết đến. (ảnh minh họa)

Giờ đây, kỹ thuật mới cho phép các nhà nghiên cứu xác định tác nhân gây dị ứng chưa từng được biết đến. Nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Journal of Agriculture and Food Chemistry, do Bi Hongyan tại Đại học Hải dương Thượng Hải, Trung Quốc và các đồng nghiệp thực hiện.

Cụ thể, bác sĩ Bi Hongyan và các đồng nghiệp đã thu thập mẫu huyết thanh của 7 người bị dị ứng hải sản nghiêm trọng. Để đối chứng, họ cũng thu thập huyết thanh từ 8 cá nhân không bị dị ứng. Sau đó, họ chiết xuất kháng thể từ các mẫu huyết thanh, gắn chúng vào các hạt từ tính và đặt các hạt đó vào dung dịch nước muối có trộn vài gram cá than hoặc tôm rảo – hai loại động vật biển đặc biệt gây dị ứng.

Giống như trong cơ thể, các kháng thể liên kết với tác nhân gây dị ứng khi tiếp xúc với chúng trong các dung dịch này. Một số kháng thể từ 7 tình nguyện viên bị dị ứng hải sản đã dính vào các protein trong dung dịch nước muối trộn cá/tôm. Tình trạng này không xảy ra với các kháng thể từ 8 tình nguyện không bị dị ứng. Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng kết hợp khối phổ và sắc ký lỏng để xác định các tác nhân gây dị ứng bị kháng thể bám vào.

Kết quả, họ phát hiện nhiều protein chưa từng được biết là có khả năng gây dị ứng, bao gồm một loại protein có tên svbp, có chức năng điều chỉnh sự phát triển của các mạch máu ở cá than.

Việc phát hiện tác nhân mới gây dị ứng là rất quan trọng: những ai bị dị ứng hải sản biết thêm một thành phần trong thực phẩm mà họ cần tránh. Tuy nhiên, quan trọng hơn nhiều là có thể dùng kỹ thuật của nhóm Bi để xác định thêm các tác nhân gây dị ứng chết người nhưng chưa ai biết đến.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích