Công nghệ lõi giúp doanh nghiệp giải phóng áp lực về việc đổi mới sáng tạo
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, đạt xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Với xếp hạng 46/132 trên Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36) và Thái Lan (43).
Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái.
Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023, như: Thái Lan 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia 1%. Nhìn vào con số này, có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.
Bên cạnh đó, tình hình đầu tư công nghệ năm qua nhìn chung đã chững lại do suy thoái chung trên toàn cầu. Theo đó, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD; số lượng thương vụ cũng giảm mạnh 40%, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Ảnh minh hoạ.
Số lượng giao dịch cũng giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500.000 USD. Số lượng giao dịch trong phạm vi 10-50 triệu USD giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Bà Đỗ Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết: “Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân. Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán đơn vị kinh tế (unit economics) thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu. Vì vậy, start-up cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững để có thể vượt qua giai đoạn biến động hiện tại”.
Theo Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023, doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. 75% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định rằng việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.
Về xu hướng công nghệ, công nghệ có quy mô về mặt thị trường tầm nhìn đến 2030 lớn nhất vẫn là IoT (internet vạn vật), kế đến là trí tuệ nhân tạo AI. Ngoài ra, hydrogen xanh hay công nghệ xe điện là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, tài sản vô hình sẽ là nguồn vốn tăng trưởng mới quan trọng mà doanh nghiệp cần chú trọng.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP, “tài sản trí tuệ” là động lực tăng trưởng quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, để có thể phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ. Đặc biệt với nhóm startup, thay vì chỉ dừng lại ở thương hiệu hay giải pháp công nghệ, tài sản trí tuệ được bảo đảm mới là động lực về vốn quan trọng hơn hết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới sáng tạo để tăng sức đề kháng; chuyển đổi tư duy trước chuyển đổi số; bảo đảm yếu tố “tích hợp” và “phù hợp” thì mới mong tạo ra giá trị, hiệu suất, và lợi thế cạnh tranh…
Từ góc nhìn của đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, ông Phạm Quang Chiến, Phó Tổng giám đốc Citek chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh cũng như lộ trình ứng dụng công nghệ. Công nghệ lõi sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải phóng khỏi các áp lực về việc đổi mới sáng tạo nhỏ lẻ, rời rạc.
Bảo Lâm