Cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động
Ảnh minh họa. |
Nội dung báo cáo khẳng định, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ được các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ; gắn thực hiện với các nghị quyết, chương trình, đề án đột phá về xây dựng, phát huy của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp…
Nhờ vậy, thu được những kết quả tích cực, nổi bật trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố có 79.271 doanh nghiệp thành lập mới; giai đoạn 2016-2020, con số này là 124.715 doanh nghiệp, cao gấp 1,57 lần so với giai đoạn trước. Thống kê sau 10 năm, Hà Nội có gần 204.000 doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp Hà Nội tăng trung bình 9-13%/năm.
Tính đến ngày 30/4/2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 311.240 doanh nghiệp (chiếm gần 38% số lượng doanh nghiệp cả nước). Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 140.000 người lao động.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp cũng được nâng lên. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của Hà Nội đã đồng hành, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước khẳng định vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp Thủ đô trong nước và quốc tế…
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn Thành phố;
Phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân và bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng định hướng, có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô