Công đoàn Việt Nam phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển

Công đoàn Việt Nam phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển
Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn (Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1/1964 – Ảnh Tư liệu)

Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ miền Bắc đã khai mạc (tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay)… Sự ra đời của Công đoàn cách mạng Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tổ chức Công đoàn ra đời đã khẳng định luận điểm nổi tiếng của V.I Lênin “Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công Đoàn; bằng sự tác động qua lại giữa Công Đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác”.

Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ xâm lược cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: TL)

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn chính là lực lượng quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi công nhân, viên chức, lao động đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các phân ngành kinh tế, thể hiện bản lĩnh và sự năng động sáng tạo trong lao động, luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Nhìn lại 92 năm qua, dù bất luận hoàn cảnh nào, lịch sử cũng đã chứng minh, chỉ có Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và nhân dân.

Ghi nhận tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn, Điều 10 Hiến pháp nước ta quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Và để tiếp tục ghi nhận vai trò của tổ chức Công đoàn, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, trong đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội… Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển
Ngoài chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động, những năm qua và thời gian tới, Công đoàn Thủ đô xác định nâng cao trình độ, tay nghề để tăng năng suất lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh: Mai Quý)

Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam, suốt những năm qua dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ thành phố Hà Nội, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và sự phối, kết hợp với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội bằng những cách làm sáng tạo, Công đoàn Thủ đô đã, đang và sẽ là tổ chức xứng đáng, không thể thiếu của công nhân, viên chức, lao động; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy nhất, duy nhất trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Đồng thời là tổ chức tiên phong trong việc phát động các phong trào thi đua để góp phần xây dựng Thủ đô đẹp, giàu, văn minh, hiện đại.

Thời kỳ mới, tình hình mới, trong dòng chảy của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong bối cảnh đất nước đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Thủ đô nói riêng luôn phát huy truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích