Công đoàn tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc đến hết năm 2023

Bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 15 (khóa XII) diễn ra hôm nay (14/8) tại Hà Nội, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thông tin với phóng viên về việc Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc.

Công đoàn tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc đến hết năm 2023
Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi với phóng viên về việc Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc.

Theo ông Phan Văn Anh, từ tháng 9/2022, nhiều doanh nghiệp trong cả nước bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Hội nghị Ðoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 36 (khóa XII) diễn ra ngày 13/8 tại Hà Nội: Đến nay, tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ được các cấp Công đoàn tiếp nhận là hơn 86.000 đoàn viên, người lao động. Số trường hợp đủ điều kiện thẩm định, duyệt và hoàn thành chi hỗ trợ là 81.676 người, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 114 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động, ngày 16/1/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo đó, các cấp Công đoàn dành nguồn tài chính Công đoàn hỗ trợ một lần bằng tiền mặt cho đoàn viên và người lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã (doanh nghiệp) có đóng kinh phí Công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023. Mức hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng. Người lao động không phải là đoàn viên công đoàn được hưởng trợ cấp bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.

Lý giải về việc Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ, ông Phan Văn Anh cho biết: Với đánh giá, nhận định ban đầu của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thì hết quý 1/2023, các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động ổn định, thuận lợi, không bị cắt giảm đơn hàng nữa, nhưng thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng, nhiều người lao động bị ảnh hưởng thời giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng…

Theo đó, ngày 13/8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp bàn và quyết định sẽ ban hành nghị quyết tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng đến hết 31/12/2023.

Công đoàn tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc đến hết năm 2023
Lãnh đạo LĐLĐ quận Long Biên trao hỗ trợ tiền tới lao động bị giãn việc, giảm việc trên địa bàn. Ảnh: B.D.

“Theo như tính toán, dự kiến của chúng tôi, số lượng đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, mất việc tương đối lớn, tương đương số liệu chúng tôi đã triển khai cuối quý 4/2022 và quý 1/2023. Do đó, ước tính thực hiện kéo dài nghị quyết đến hết năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến chi hỗ trợ khoảng 150 tỷ đồng”, ông Phan Văn Anh cho biết.

Về mức hỗ trợ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, về cơ bản mức hỗ trợ không có gì thay đổi. Nếu đoàn viên bị giảm thời gian làm việc và có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì được hỗ trợ 1 triệu đồng; đoàn viên bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ 2 triệu đồng; và đoàn viên bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.

Theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hỗ trợ người lao động là đoàn viên công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người.

Nhóm đối tượng thứ hai được hưởng hỗ trợ là đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Cụ thể, người lao động là đoàn viên công đoàn có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân), tính từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người.

Nhóm đối tượng thứ ba được hưởng hỗ trợ là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, người lao động là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích