Công cụ MFCA giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, cải thiện hoạt động môi trường

Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) là công cụ cải tiến hữu hiệu nhằm giảm chi phí kinh tế, đồng thời giảm tác động môi trường. Áp dụng MFCA doanh nghiệp có thể phân tích chi phí kinh tế của quá trình sản xuất, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, năng lượng, xử lý chất thải và các chi phí khác.

MFCA được sử dụng để truy xuất và định lượng dòng lưu chuyển của nguyên liệu trong doanh nghiệp; xác định cách thức sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu ở khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả kinh tế từ đó giúp tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. MFCA không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà còn giúp cải thiện hoạt động môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững”.

Công cụ MFCA không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà còn giúp cải thiện hoạt động môi trường.

Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) được phát triển tại Đức vào cuối những năm 1990 và từ khi được chấp nhận rộng rãi tại Nhật Bản, tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc chất thải, khí thải và phí phẩm đồng thời giúp thúc đẩy kết quả hoạt động kinh tế và môi trường của tổ chức. Đây là một trong những công cụ chính của hạch toán chi phí môi trường (EMA). EMA là tập hợp những quy trình/thủ tục được sử dụng trong doanh nghiệp nhằm liên kết các cân nhắc về môi trường với mục tiêu kinh tế. Ngày nay, các tổ chức không thể bỏ qua các khía cạnh môi trường trong hoạt động của mình. Do vậy, họ tìm kiếm các công cụ quản lý nhằm kết nối mối quan ngại về môi trường với các điểm cốt yếu về kinh tế của mình.

MFCA là một trong những công cụ chủ chốt trong hạch toán môi trường và thúc đẩy việc tăng tính minh bạch của những nguyên liệu sử dụng thông qua sự phát triển của mô hình dòng nguyên liệu truy xuất nguồn gốc và định lượng các dòng và kho vật liệu trong tổ chức theo các đơn vị vật lý và tiền tệ.

Đây là phương pháp về hạch toán chi phí môi trường mà cùng lúc đạt được “giảm thiểu tác động lên môi trường” và “cải thiện hiệu quả kinh doanh”. MFCA phù hợp với tất cả các ngành công nghiệp sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng, với bất kỳ loại và quy mô nào, có hoặc không có hệ thống quản lý môi trường tại chỗ (Điều 1, ISO 14051:2011). Có thể coi nó là sự thay thế đối với tổ chức để cân nhắc những vấn đề môi trường, bao gồm khan hiếm nguyên vật liệu, biến đổi khí hậu và các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt đối với mọi quyết định kinh doanh và đạt được phát triển bền vững.

MFCA đo dòng và dự trữ của tất cả nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất theo cả giới hạn về tiền tệ và vật chất. Nguyên liệu gồm nguyên liệu thô, các phần và các chi tiết. Phân tích MFCA cung cấp sự so sánh tương đương về chi phí liên quan tới sản phẩm và những chi phí liên quan tới nguyên liệu thất thoát, ví dụ như chất thải, khí thải, nước thải…

Trong nhiều trường hợp, tổ chức không nhận thức đầy đủ về mức độ chi phí thực tế của nguyên liệu thất thoát bởi dữ liệu về nguyên liệu thất thoát và chi phí liên quan thường khó trích xuất từ các hệ thống quản lý thông tin thông thường, kế toán và môi trường. Theo cách này, MFCA cho phép tổ chức xác định việc sử dụng nguyên liệu và các dòng nguyên liệu của mình trong quá trình sản xuất và áp chi phí cho tất cả những nguyên liệu này.

Các tổ chức được yêu cầu phải cân nhắc tác động môi trường của các hoạt động của họ trong mọi giai đoạn của hoạt động kể trên. Tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu được thúc đẩy tích cực trong những năm gần đây và tái chế đặc biệt nhận được sự hỗ trợ trong số các tổ chức đang cố gắng giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu thô và tác động của chúng tới môi trường. Dù tái chế chất thải là phương pháp hiệu quả đối với việc sử dụng nguồn tài nguyên, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả về mặt chi phí bởi năng lượng đầu vào đáng kể và các chi phí khác thường được yêu cầu. Từ quan điểm MFCA, điều cần thiết là giảm tạo ra chất thải tự nó làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và chi phí.

 MFCA phù hợp với tất cả các ngành công nghiệp sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng.

MFCA xác định số lượng mỗi nguyên liệu cũng như giá thành của nó (bao gồm nguyên liệu, quá trình chế biến và chi phí xử lý chất thải). Điều này cho phép chúng ta xác định các nguồn tạo ra chất thải theo cách riêng biệt và xác định cơ hội phát triển có thể dẫn tới làm giảm bản thân việc tạo ra chất thải.

Sử dụng thông tin này, các tổ chức có thể xác định chi phí thất thoát do chất thải và các khí thải khác, cũng như những sản phẩm bị lỗi, và tính toán số lượng và các nguồn được sử dụng trong mỗi quá trình, những chi phí liên quan tới các quá trình này. MFCA đóng vai trò như một động lực thúc đẩy mạnh mẽ đối với các tổ chức để giảm chất thải và nguyên liệu đầu vào, dẫn tới giảm chi phí và tăng năng suất.

Giảm tạo ra chất thải dẫn tới kết quả hoạt động môi trường được tăng cường trong các quá trình sản xuất bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu đầu vào của nguyên liệu thô. Do đó, MFCA trở thành công cụ cho phép tổ chức thiết lập cùng lúc mối liên kết giữa nhu cầu giảm thiểu việc thu mua tài nguyên để tăng hiệu quả quá trình của các hoạt động với nhu cầu giảm thiểu tác động môi trường. Bởi vậy, MFCA phục vụ không chỉ như là một công cụ cho mục đích môi trường mà còn là công cụ quản lý chung giúp tổ chức tìm cách giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi tăng cường lợi nhuận thông qua việc giảm chi phí.

Trong khi MFCA được thiết kế chủ yếu để sử dụng trong một cơ sở hoặc tổ chức riêng lẻ, việc tiếp cận có thể được mở rộng tới nhiều tổ chức trong chuỗi cung ứng, cho phép họ phát triển phương pháp tiếp cận tích hợp đối với việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu và năng lượng.

MFCA vừa góp phần hỗ trợ quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo hữu hiệu yêu cầu quản lý môi trường một cách tích cực nhất qua việc xem xét, đánh giá quá trình sản xuất, tạo sản phẩm, từ đó sử dụng một cách hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích