Công cụ cải tiến năng suất chất lượng: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó DNVVN chiếm tới 97%, sử dụng 51% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Việc quan tâm và hỗ trợ các DNVVN cải tiến năng suất và chất lượng không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tổng thể của đất nước.

Năng suất và chất lượng sản phẩm của các DNVVN tại Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường sự phát triển và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bằng cách tập trung vào cải thiện quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng cao và đầu tư vào công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí, từ đó tối ưu hóa chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, việc cải thiện chất lượng sản phẩm giúp các doanh nghiệp xây dựng được lòng tin và niềm tin từ phía khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng cơ hội xuất khẩu. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn tăng giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, các doanh nghiệp cần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC. Đây là những giải pháp hiệu quả giúp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm và giảm lãng phí, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Việc áp dụng thành công các công cụ này sẽ tạo ra lợi ích cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội: doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận, người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm chất lượng với chi phí hợp lý, người lao động tăng thu nhập, và đất nước tăng nguồn thu từ thuế.

Đơn cử tại tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai dự án xây dựng mô hình điểm DNVVN áp dụng tích hợp hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao năng suất sản phẩm. Dự án này đã hỗ trợ 79 dự án đầu tư đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 22 tỷ đồng, đồng thời rà soát và bổ sung danh mục tiêu chuẩn quốc gia làm cơ sở hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Từ đó, hơn 30 doanh nghiệp và hợp tác xã đã được hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm, 50 doanh nghiệp được hướng dẫn đăng ký và sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm, và 16 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những hoạt động này đã tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và tăng doanh thu.

Tại khu vực phía Nam, ThS. Nguyễn Đào Duy Tài – Giám đốc Công ty TNHH Chuyển giao Tri thức Chí Tân cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH Chuyển giao Tri thức Chí Tân đã thực hiện đề tài “Nhân rộng mô hình áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, kết hợp với công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNVVN”.

Đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng được 40 mô hình điểm áp dụng thành công Hệ thống quản lý tích hợp ISO 9001:2015 với 1 Hệ thống quản lý phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp như ISO 22000:2018/ HACCP, ISO 14001:2015, ISO 45000:2018 kết hợp với một công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào); Đồng thời, thúc đẩy nhân rộng áp dụng thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về kết quả và chia sẻ hiệu quả áp dụng tại doanh nghiệp

Sau hơn hai năm triển khai, đề tài đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, giúp 40/41 doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp với yêu cầu của các hệ thống quản lý.

Việc áp dụng kết quả của đề tài không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận mà còn tạo ra đội ngũ nhân viên biết vận hành hệ thống quản lý tích hợp và sử dụng thành thạo các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Điều này tạo nền tảng vững chắc để giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp về lâu dài, giúp doanh nghiệp tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích