Công cụ bố trí mặt bằng góp phần nâng cao năng suất chất lượng, phát huy tối đa nguồn lực
Để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, việc áp dụng các công cụ cải tiến là giải pháp vô cùng hữu hiệu đối với doanh nghiệp, trong đó phải kể đến công cụ bố trí mặt bằng (Layout). Theo đó, bố trí mặt bằng trong doanh nghiệp là việc tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian các phương tiện vật chất được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thông thường, người ta chia thành hai dạng bố trí là bố trí mặt bằng sản xuất và bố trí mặt bằng dịch vụ/văn phòng, cụ thể: Bố trí mặt bằng sản xuất là công việc sắp xếp máy móc, thiết bị và dòng vật liệu, sản phẩm trung gian giữa các công đoạn tạo ra sản phẩm, sắp xếp mọi thứ cần thiết cho sản xuất hoặc dịch vụ bao gồm máy móc, thiết bị, con người, nguyên liệu và cả thành phẩm. Bố trí mặt bằng sản xuất cần thoả mãn yêu cầu về không gian của nhà xưởng, tối thiểu chi phí vận hành và hao tổn nguyên vật liệu.
Bố trí mặt bằng dịch vụ/văn phòng là phương pháp bố trí mặt bằng theo chỉ tiêu định tính, có thể áp dụng cho nhiều loại doanh nghiệp bao gồm cả nhà máy, kho tàng, văn phòng công ty và các công sở. Bố trí mặt bằng dịch vụ tùy thuộc vào bản chất tự nhiên của dịch vụ và phương pháp doanh nghiệp phối hợp, vận chuyển dịch vụ.
Trong môi trường sản xuất thì việc bố trí mặt bằng phải chú trọng đến hiệu quả của việc di chuyển dòng nguyên nhiên vật liệu, còn trong việc bố trí văn phòng phải bố trí mặt bằng sao cho dòng thông tin phải lưu chuyển có hiệu quả nhất.
Các chuyên gia đánh giá, bố trí mặt bằng trong doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng ngày, lại vừa tác động lâu dài trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bố trí mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua các tác động của nó lên việc sử dụng nguyên liệu, thời gian và không gian sử dụng.
Bố trí mặt bằng tạo ra sự hợp lý trong cách sắp xếp bố trí các bộ phận trong không gian, tối thiểu hóa chi phí hoạt động và tồn trữ nguyên vật liệu, đảm bảo mối liên hệ sản xuất kinh doanh chặt chẽ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, sử dụng hợp lý, tiết kiệm không gian hoạt động.
Mặt khác, bố trí mặt bằng hợp lý sẽ góp phần nâng cao năng suất chất lượng, nhịp độ sản xuất nhanh hơn, tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực vật chất vào sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bố trí mặt bằng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động bố trí sản xuất đòi hỏi sự nỗ lực, đầu tư rất lớn về sức lực và tài chính.
Có thể kể đến một số lợi ích cơ bản khi doanh nghiệp áp dụng công cụ bố trí mặt bằng như: Đảm bảo các nguồn lực sản xuất trong quá trình hoạt động; Giảm chi phí di chuyển không năng suất, ví dụ như vận chuyển nguyên vật liệu không tạo ra giá trị gia tăng; Đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động;
Đảm bảo các hoạt động giám sát và bảo trì; Đảm bảo sự linh hoạt về sản phẩm và sản lượng; Tận dụng và sử dụng hiệu quả không gian, máy móc, thiết bị; Đảm bảo việc sử dụng hữu hiệu máy móc, vận chuyển, bốc dỡ; Tạo sự riêng biệt cho từng khu vực công tác; Tạo sự thông tin dễ dàng giữa các khu vực…
Thanh Tùng