Công chức nghỉ việc nhìn từ câu chuyện lương – giá

Hai năm qua, hết tin bác sĩ tại một số bệnh viện công xin nghỉ việc, đầu quân cho bệnh viện tư, đến tin nhiều nhân viên y tế (trung tâm y tế tuyến quận, huyện, xã, phường), viên chức, công chức phường… cũng xin nghỉ việc vì lý do áp lực công việc, lương thấp. Nay đến lượt cả một số công chức, viên chức, thậm chí cấp vụ phó, trưởng phòng của Bộ Tài chính cũng muốn xin nghỉ việc như “bật mí” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) chiều 19/9 càng làm chúng ta phải suy nghĩ.

Công chức nghỉ việc nhìn từ câu chuyện lương - giá
Đội ngũ y, bác sĩ nói riêng, công chức, viên chức nói chung muốn lương phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu (Ảnh minh hoạ, nguồn Lao động)

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng lưu ý có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc…Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Trên góc độ kinh tế, văn bản này mang tính chất “động viên” là chính. Như chúng ta đều biết, ngoài yếu tố cống hiến, mọi người đi làm đều với mục đích mưu cầu cuộc sống. Nếu thu nhập giáo viên (cả lương và tiền đứng lớp) khoảng 10 triệu đồng/tháng, số tiền đó đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, đủ để dành trả góp mua nhà, mua xe ô tô và có tích lũy như các nước phát triển thì chắc giáo viên cũng chẳng muốn dạy thêm làm gì, để dành thời gian cho gia đình. Tương tự, nếu công chức, viên chức đủ sống bằng lương thì chẳng có cái gọi là tham nhũng vặt…

Trở lại câu chuyện nhiều viên chức, công chức xin nghỉ việc thời gian qua, ngoại trừ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đã đến lúc chúng ta phải dần nghiên cứu hoạch định lại câu chuyện lương – giá – thu nhập; câu chuyện hệ số tiền lương trong cơ quan Nhà nước. Với một bác sĩ giỏi, “tôi luyện” 8 – 9 năm trên giảng đường đại học và bệnh viện (bác sĩ nội trú) được nhận vào chính thức ở bệnh viện công, kể cả tuyến Trung ương hệ số lương vẫn bậc 1 (đang đề xuất chuyển thành bậc 2) với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi bệnh viện tư sẵn sàng trả 40-50 triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng. Chắc chắn, vì cuộc sống, bác sĩ giỏi đó phải tìm đến bệnh viện tư.

Bởi vậy, cũng như chữa bệnh, chúng ta chỉ có thể giải được bài toán công chức, viên chức xin nghỉ việc hay câu chuyện tham nhũng vặt khi lương – giá là một thể thống nhất.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích