Công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Xây dựng) – Sáng 28/5, tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đến dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị chu đáo Hội nghị quan trọng này; thể hiện trách nhiệm cao, sự trân trọng, mến khách, nghĩa tình của quê hương và con người Ninh Bình. Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai Quy hoạch tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện “một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh”. Một trọng tâm: Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Hai tăng cường: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau). Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Ba đẩy mạnh: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện (về giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa…). Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất – cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần lập nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần phải lưu ý 5 “bảo đảm” trong triển khai quy hoạch: Tính tuân thủ; Tính đồng bộ; Tính liên kết; Tính ổn định, kế thừa, phát triển; Tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.
Để triển khai Quy hoạch tỉnh được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Tỉnh Ninh Bình lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. |
Việc triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, dài hạn với không ít thuận lợi và khó khăn. Song, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử – văn hóa, ý chí, khát vọng và lòng tự hào vùng đất Cố đô, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với thành tựu đạt được và tiếp nối đà phát triển những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, động lực mới theo Quy hoạch tỉnh đã công bố.
Thủ tướng tin tưởng Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Phạm Quang Ngọc khẳng định: Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, Ninh Bình đã luôn bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng của Trung ương Đảng. Nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2021 về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị, nhất là các chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi về thăm và làm việc với Ninh Bình, đó là: Phải phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng Ninh Bình giàu đẹp, người dân ấm no, hạnh phúc.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218 ngày 04/3/2024, có 4 Điều với 13 Nội dung, cùng với hệ thống sơ đồ, bản đồ. Trong đó, có một số nội dung quan trọng như quan điểm phát triển: Kiên định theo hướng “xanh, bền vững và hài hòa. Về mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quy hoạch xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”.
Về không gian phát triển: Xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư) và thành phố Tam Điệp. Về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn: Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cam kết tập trung xây dựng lộ trình triển khai thực hiện và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình trong Quy hoạch tỉnh. |
Về phương án phát triển các khu chức năng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội: Phát triển 11 khu công nghiệp; 2 khu du lịch quốc gia; 4 khu bảo tồn thiên nhiên; 2 tuyến đường cao tốc; 8 tuyến đường quốc lộ và đường bộ ven biển; 28 tuyến đường tỉnh; 2 tuyến đường sắt Bắc – Nam, 3 tuyến đường sắt chuyên dụng; 15 tuyến đường thủy nội địa; 1 cảng tổng hợp và dự trữ quỹ đất phát triển; 2 sân bay chuyên dùng.
Về bảo vệ môi trường: Thực hiện phân bổ 3 vùng bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước; kiểm soát hiệu quả các nguồn thải.
Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn thay mặt tỉnh Ninh Bình xin được tiếp thu đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng lộ trình triển khai thực hiện và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình trong Quy hoạch tỉnh. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu chức năng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung Quy hoạch tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng