Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng 19/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; thiếu tướng Huỳnh Văn Ngon, Phó Chính ủy Quân khu 9; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh An Giang qua các thời kỳ, các tỉnh, thành phố bạn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang… tham dự buổi lễ.
An Giang giữ vị trí chiến lược ở vùng Tây Nam của Tổ quốc, là nơi đầu tiên dòng Mekong chảy vào địa phận Việt Nam (được tách thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu). An Giang cách TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) chỉ 120km, có đường biên giới dài gần 100km, có khu kinh tế cửa khẩu quan trọng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL
Lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bám sát các chủ trương, đường lối phát triển, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng ĐBSCL, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm DL sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia…
Để thực hiện mục tiêu này, có 3 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường được đề ra, với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng; kinh tế số đạt trên 20% GRDP…
Tập trung 3 đột phá phát triển, gồm: xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số; Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc – TP Long Xuyên, hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên – Châu Đốc – An Phú – Tân Châu, các khu cụm công nghiệp, đô thị động lực, mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bềnh vững của tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả cao nhất quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 2 phương hướng, 4 phương án và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, gồm: Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Khi thực hiện tốt các giải pháp này, sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho An Giang vươn lên phát triển.
Quy hoạch tỉnh An Giang hướng tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng – an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị