Công bố nguyên nhân sự cố rơi gối cầu của tuyến Metro số 1 TP.HCM

Công bố nguyên nhân sự cố rơi gối cầu của tuyến Metro số 1 TP.HCM

Sau hơn 2 năm xảy ra sự cố rơi gối cầu cao su tuyến metro số 1, chủ đầu tư dự án chính thức công bố nguyên nhân và các phương án khắc phục.

Ngày 15/6, ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) chia sẻ nguyên nhân vụ rơi gối cầu metro số 1 tại họp báo thông tin về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM.

Theo MAUR, sự việc rơi, chuyển vị gối cầu xảy ra tại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) xảy ra vào ngày 30/10/2020. Ngay khi xảy ra vụ việc, MAUR đã chủ trì cùng tư vấn NJPT (tư vấn chung của dự án), nhà thầu Sumitomo – CIENCO6 (Liên danh SCC) lập kế hoạch chi tiết để rà soát toàn bộ nội dung liên quan sự việc gối cầu.

Đồng thời, MAUR đã có nhiều báo cáo, cập nhật kịp thời việc xử lí sự việc cho UBND TPHCM, Hội đồng Kiểm tra nhà nước (SIC), Sở GTVT và các cơ quan có liên quan.

Đến nay, tổng cộng có 1 gối cầu bị rơi (chiếm 0,05%) và 9 vị trí gối cầu bị chuyển vị (chiếm 0,4%) trên tổng số 1910 gối.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Việc đánh giá nguyên nhân sự việc trên được xem xét từ 3 yếu tố: thiết kế, thi công, vật liệu. Dựa vào đó, các đơn vị đã xác định nguyên nhân chính xảy ra sự việc rơi, chuyến vị gối cầu.

Cụ thể, do khe hở giữa gối cầu và đá kê gối (khi xuất hiện khe hở thì diện tích tiếp xúc giữa bề mặt gối cầu và đá kê gối giảm, dẫn đến việc ma sát cũng giảm và tăng ứng suất tại điểm tiếp xúc). Nguyên nhân thứ hai là do sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình thi công.

Sự thay đổi nhiệt độ tại khu vực thi công dẫn đến cả ray và dầm cùng giãn nỡ hoặc co lại. Đặc biệt, tại vị trí mối nối ray chưa được hàn liền gần vị trí khe co giãn của dầm thì biến dạng. Từ đó tác động làm trượt gối cầu.

Trên cơ sở đó, nhà thầu đã đề xuất các biện pháp khắc phục và phòng chống chuyển vị gối cầu. Cụ thể, lắp đặt kết cấu chống trượt tại 918 vị trí gối di động. Hệ khung thép được lắp đặt bổ sung, phòng chống sự dịch chuyển của các gối cầu di động (bao gồm giả định trong điều kiện có động đất).

Bên cạnh đó, phun keo (loại Epoxy) lấp đầy khe hở giữa gối cầu và đá kê gối (733 vị trí) đảm bảo gối cầu tiếp xúc bề mặt đầy đủ với đá kê gối.

Đến nay, các biện pháp trên đã được nhà thầu hoàn thành lắp đặt từ ngày 1-5-2023. Việc quan trắc liên tục gối cầu, đặc biệt là sau khi hoàn thành việc lắp đặt biện pháp chống trượt nêu trên và trong quá trình chạy thử tàu là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM – khẳng định hiện nay, các gối cầu đã ổn định. Sau khi việc hàn liền ray hoàn thành, quá trình chạy thử tàu metro số 1 trong thời gian qua được diễn ra trơn tru.

Việc theo dõi các gối cầu sẽ được nhà thầu tiếp tục thực hiện cho đến giai đoạn nghiệm thu hoàn thành gói thầu (TOC), cũng như trong giai đoạn bảo hành 2 năm sau theo nghĩa vụ hợp đồng.

“Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đẩy nhanh công tác thực hiện hoàn tất tuyến metro 1. Dự kiến cuối năm 2023, tất cả các gói thầu của tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử toàn tuyến metro số 1. Từ đó, hướng đến việc khai thác thương mại”, ông Hiển nói.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của TP.HCM. Toàn tuyến dài gần 20km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức) với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).

Đến nay, tiến độ thi công toàn dự án Metro số 1 đã đạt khoảng 95%. Trong năm 2023, chủ đầu tư cùng tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản sử dụng tất cả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành công tác thi công trên toàn tuyến.

Song song đó, chủ đầu tư cũng đang phối hợp với phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn của công trình trước khi đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích