Công an Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn sách lậu
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Tại hội nghị thông tin về tình hình, kết quả nổi bật trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán 2023 do Công an thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, Thượng tá Nguyễn Tiến Thắng – Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Phòng An ninh Chính trị nội bộ phối hợp với Phòng An ninh điều tra đã bóc gỡ đường dây sản xuất, buôn bán số lượng lớn các loại sách không có nguồn gốc xuất xứ. Quá trình kiểm tra, cơ quan Công an thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách cùng nhiều tang vật có liên quan.
Thượng tá Nguyễn Tiến Thắng (thứ 3 từ trái sang) – Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) phát biểu tại họp báo |
Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh chính trị nội bộ phát hiện đối tượng Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1993; trú tại số 18-D KNƠTT, A10, Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả.
Đạt đã lập hàng chục trang trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok… để kinh doanh sách không có hóa đơn chứng từ, nghi có nguồn gốc in sao lậu với số lượng và doanh thu rất lớn. Về chủng loại sách, chủ yếu là các loại sách thịnh hành trên thị trường như: Đắc Nhân Tâm, Trí tuệ do thái, Đọc vị bất kỳ ai, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Muôn kiếp nhân sinh…
Phòng An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội tiến hành khám xét khẩn cấp 8 địa điểm là nơi ở, nơi đặt máy móc phô tô tài liệu, đóng gói thành phẩm và kho chứa các loại sách giả. Kết quả khám xét thu giữ hơn 100 tấn sách, khoảng trên 400 đầu sách các loại, với gần 400.000 cuốn sách, nhiều máy móc thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất, buôn bán sách giả.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Tiến Đạt khai nhận, năm 2018, đối tượng mở cửa hàng bán sách cũ tại địa chỉ 676 đường Láng, quận Đống Đa. Trong quá trình buôn bán, quá trình này, đối tượng nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc, cụ thể có nhiều loại sách cũ khách hàng tìm mua nhưng không có nên đã nảy sinh ý định thuê kho xưởng, mua máy móc sản xuất, đóng gói sách giả để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Lực lượng chức năng khám xét 8 địa điểm là nơi ở, nơi đặt máy móc phô tô tài liệu, đóng gói thành phẩm và kho chứa các loại sách giả. |
Nguyễn Tiến Đạt cùng 2 đối tượng khác tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả gồm: Phan Thành Long (sinh năm 1999; trú tại xóm 2, thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và Đinh Văn Thịnh (sinh năm 1993; trú tại thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) góp vốn cùng làm. Long chịu trách nhiệm quản lý công việc tại xưởng in, photocopy; Đạt chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động sản xuất, mua bán; Thịnh do không có tiền góp vốn nên chỉ được thuê quản lý xưởng photocoppy cùng Long và được trả lương 9 triệu đồng/ tháng.
Để kiếm lời, các đối tượng sản xuất, in ấn, đóng gói và buôn bán số lượng lớn sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau mà không có bản quyền xuất bản, không có hợp đồng liên kết xuất bản, in ấn và không có giấy phép hoạt động in ấn theo quy định.
Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan An ninh điều tra – Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Nguyễn Tiến Đạt cùng đồng phạm Sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Hà Nội” và khởi tố bị can đối với 3 đối tượng Nguyễn Tiến Đạt, Phan Thành Long, Đinh Văn Thịnh về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 – Bộ luật hình sự 2015 để điều tra theo quy định của pháp luật.
Phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn sách lậu |
Chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ cho biết, khó khăn trong phát hiện, bóc gỡ đường dây này là, việc sản xuất và phát hành sách giả được thực hiện theo quy trình khép kín, từ sản xuất, quảng cáo đến phát hành, khác với phương thức của các đối tượng khác trước đây. Xưởng in và cơ sở photocopy do các đối tượng tự đầu tư và làm chủ sản xuất sách lậu nên quá trình hoạt động luôn đóng cửa, địa điểm ở xa trung tâm, không có biểu hiện và không cho người lạ ra vào…
Trước đó, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp Công an các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Công an phường Cổ Nhuế 2, Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra đồng loạt 2 cửa hàng sách và 1 kho hàng của Hoàng Văn Tùng (sinh năm 1991; trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).
Tại 2 cửa hàng sách Ngoại ngữ và sách Thịnh Trang, số 2 Phạm Văn Đồng, đã phát hiện và tạm giữ khoảng 65 đầu sách đang bày bán, khoảng 1.000 cuốn, được đóng trong hơn 15 thùng các tông, nghi có nguồn gốc in lậu.
Tiếp tục kiểm tra kho sách của Tùng ở đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, lực lượng liên ngành phát hiện gần 400 đầu sách đang bán chạy hiện nay, ước lượng lên đến khoảng 30 tấn sách.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng và kho hàng chưa xuất trình hóa đơn chứng từ, nghi toàn bộ số sách này in sao lậu. Các đầu sách nghi làm lậu của rất nhiều công ty sách lớn có uy tín như Trí Việt, Alphabook, Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ…
Các đầu sách nghi làm lậu của rất nhiều công ty sách lớn có uy tín như Trí Việt, Alphabook, Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ… |
Chỉ huy phòng An ninh chính trị nội bộ thông tin đây là vụ tàng trữ sách lậu với số lượng rất lớn trên địa bàn Hà Nội. Chủ cửa hàng sách và kho sách nói trên có thủ đoạn che giấu khá tinh vi. Nhà kho chứa sách là nhà cấp 4, không có biển hiệu, thường khép cửa sắt và luôn buông rèm che. Chủ kho thuê 4 – 5 nhân viên giao hàng, không cho khách mua biết địa chỉ kho. Khi có khách đặt hàng, nhân viên giao hàng tận nơi hoặc giao qua cửa hàng sách. Còn tại cửa hàng chỉ bày số lượng rất ít để chào hàng…
Gian nan xử lý
Thực trạng hoạt động in sách giả, sách lậu, in nối bản trái phép đang diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn đọc, mà còn tổn hại cho lĩnh vực xuất bản, mất uy tín với đối tác quốc tế.
Theo cơ quan Công an, các đối tượng in lậu, gia công sách in lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Họ thường thuê kho xưởng ở địa điểm xa trung tâm, ít người qua lại; in một nơi, gia công một nơi; tổ chức in, gia công theo hình thức “cuốn chiếu”, không tập kết nhiều hàng ở một chỗ; dán tem nhái tem chống giả của các nhà xuất bản.
Các kho hàng được phân tán ở nhiều địa điểm xa, cách biệt với các cơ sở sản xuất, có nơi ở khu vực hoang vắng, luôn đóng kín cửa. |
Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, cho biết, các kho hàng được phân tán ở nhiều địa điểm xa, cách biệt với các cơ sở sản xuất, có nơi ở khu vực hoang vắng, luôn đóng kín cửa. Các đối tượng chia nhỏ các công đoạn gắn với nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn, văn phòng ở Cầu Giấy, xưởng in và cơ sở photo ở huyện Quốc Oai; kho sách và cơ sở đóng gói lại ở huyện Thạch Thất… Việc vận chuyển giữa cơ sở sản xuất, kho hàng và cơ sở đóng gói phát hành được thực hiện bằng xe tải riêng, cả xe đông lạnh, vào buổi tối, thời điểm ít bị để ý, có người cảnh giới để đối phó với cơ quan chức năng.
Ngoài ra, quá trình quảng cáo bán hàng qua các kênh bán hàng online trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok… các đối tượng che giấu thông tin cá nhân. Việc giao hàng thông qua các công ty chuyển phát nhanh, che giấu địa chỉ giao sách, đăng các địa chỉ giả ở các tỉnh ngoài… gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xác minh. Thêm nữa, các tài khoản thanh toán, đăng ký phương tiện… đều không dùng thông tin của các đối tượng chính…
Có thể thấy, sách lậu đã trở thành vấn nạn, song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả…
Việc in lậu, bán lậu sách gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân nói chung và các nhà xuất bản, các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh sách chân chính… |
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, đối với chế tài xử lý, hiện nay mức phạt đối với hành vi in lậu sách còn tương đối thấp; tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được.
Tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi in, xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… Trong khi đó, lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Lý do này khiến tình trạng sách in lậu kéo dài và nghiễm nhiên các cơ sở buôn bán, sản xuất vẫn coi nhẹ pháp luật.
Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn sách lậu, thiết nghĩ cần có sự chung tay của toàn xã hội với vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng. Theo đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực in ấn, xuất bản theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý các hành vi vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh đẩy lùi tình trạng sách lậu.
Các cơ quan chức năng tăng cường việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các cấp; đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các cơ quan, ban, ngành có liên quan…
Nguồn: Báo lao động thủ đô