“Cơn sốt” Pickleball tại Thanh Hóa: Chuyển đổi sân bóng, “cắp nách” vợt đi làm
“Cơn sốt” Pickleball tại Thanh Hóa: Chuyển đổi sân bóng, “cắp nách” vợt đi làm
Các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang ồ ạt đầu tư các sân Pickleball, trong khi số lượng người chơi tăng lên theo từng ngày. Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực TDTT tại địa phương đang tiến hành thống kê số lượng cơ sở tập luyện, ước tính số lượng người chơi, các CLB để tổ chức tập huấn, thúc đẩy phong trào.
Phong trào chơi Pickleball tại Thanh Hóa rầm rộ chưa từng thấy
Cuối
năm 2023, khách sạn Lam Kinh ở thành phố Thanh Hóa cải tạo sân Tennis thành sân
bóng đá. Tuy nhiên, chưa đầy nửa năm hoạt động, sân bóng đá bỗng dưng “biến
mất”, thay bằng cụm sân Pickleball. Từ đầu tháng 8, khách sạn Lam Kinh trở
thành điểm đến hấp dẫn của những người yêu thích môn Pickleball. 4 sân ngoài
trời và 4 sân có mái che đã kín lịch đăng ký tập luyện và thi đấu.
Tại
nhiều cơ quan, công sở, các sân Pickleball theo kiểu “dã chiến” cũng đang dần
hình thành. So với sân tiêu chuẩn được đầu tư khá cầu kỳ, nền phẳng được phủ
bởi một lớp sơn đàn hồi, sân phong trào chỉ cần nền bê tông phẳng, kẻ vạch,
giăng lưới là có thể cầm vợt thi đấu.
Không
ít doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã lên kế hoạch đầu tư sân Pickleball để kinh
doanh kết hợp cho người lao động rèn luyện TDTT. Một số cơ sở kinh doanh dịch
vụ thể thao đã đầu tư thêm hoặc cải tạo lại các sân quần vợt, sân bóng đá thành
sân thi đấu Pickleball.
Chủ
đầu tư một cụm 7 sân Pickleball tại phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn cho
biết, sân mới đưa vào hoạt động được 3 tuần nhưng đã kín lịch đăng ký tập
luyện, thi đấu. Vào giờ cao điểm (từ 17 – 20h), giá thuê 1 sân trong nhà khoảng
150.000 đồng/giờ. Các khung giờ khác giá bình quân 100.000 đồng/giờ.
Kẻ sân tạm chơi Pickleball, “cắp nách” vợt đi làm
Phong trào chơi Pickleball tại Thanh Hóa rầm rộ chưa từng thấy và lan rộng đến các vùng quê khi người
dân ở các huyện ven đô còn tận dụng các khu đất trống, đất chưa sử dụng, góp kinh
phí láng nền bê tông, lăn sơn, kẻ vạch để làm sân tạm.
Anh Hoàng Huy, 36 tuổi,
ngụ tại thị trấn huyện Quảng Xương cho hay, hiện phong trào Pickleball ở địa
phương mới nhen nhóm nên chưa có sân chuyên dụng để tập luyện.
“Trước mắt chúng tôi phối với một số anh chị em đam mê bộ môn này tìm vị trí
phù hợp tại các công sở cơ quan, đơn vị để làm sân tạm, gây dựng phong trào. Hy
vọng thời gian tới, sẽ có nhiều sân Pickleball được đầu tư để tạo ra sân chơi
chất lượng hơn cho những người đam mê thể thao”, anh Huy nói.
Trên
mạng xã hội, các hội nhóm liên quan đến môn thể thao mới này được thành lập
ngày càng nhiều, chia sẻ thông tin với tốc độ chóng mặt. Fanpage “Cộng đồng
Pickleball Thanh Hóa” hiện có 23.000 thành viên tương tác liên tục trong ngày.
Các thông tin được các thành viên chia sẻ, đặt câu hỏi nhiều nhất là slot các
sân , tìm huấn luyện viên và giá cả các dụng cụ tập luyện, thi đấu. Một số cửa
hàng dụng cụ thể thao đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, nhập rất nhiều dụng cụ
phục vụ người chơi Pickleball như vợt, bóng, trang phục thi đấu…
Anh
Lê Hoàng, ngụ tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa đã sắp xếp lại lịch chơi
bóng đá để dành thời gian cho Pickleball. Lý giải cho niềm đam mê mới, anh
Hoàng nói, ở tuổi ngoài 40 chơi Pickleball phù hợp với sức khỏe hơn so với các
môn khác như cầu lông hay bóng đá. Sau một tuần trải nghiệm, anh đánh giá đây
là môn khá hấp dẫn, phù hợp đối với mọi lứa tuổi, chi phí vừa phải.
“Môn
này có sự kết hợp giữa 3 môn: bóng bàn, cầu lông, quần vợt và phù hợp với mọi
lứa tuổi. Các gia đình có thể chia cặp đấu, chơi cùng nhau. Tới đây, tôi sẽ rủ
vợ và các con tham gia cùng”, anh Hoàng hồ hởi chia sẻ.
Chị
Hà Minh Anh, 27 tuổi, ngụ tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn quyết định nghỉ hẳn
cầu lông chuyển sang chơi Pickleball. Do sẵn có kỹ năng chơi cầu lông nên khi
cầm vợt Pickleball chị bắt nhịp khá dễ. Để thi đấu bài bản, theo chị cần có HLV
nhưng nếu tham gia phong trào rèn luyện sức khỏe thì chỉ cần xem các video
hướng dẫn, tập và làm theo cũng có thể dễ dàng chơi được môn này.
Khác
với anh Lê Hoàng và chị Minh Anh, anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ tại phường Đông
Vệ, TP. Thanh Hóa đã nghỉ chơi các môn thể thao đối kháng gần chục năm nay do
chấn thương nhưng khi nghe Pickleball đã hồ hởi tham gia nhiệt tình. Một tuần
nay, anh liên tục về muộn vì theo đuổi đam mê với môn thể thao đang lên cơn
“sốt” tại Thanh Hóa. Anh Tuấn nói dù mới chơi được vài buổi nhưng có vẻ như đã
“nghiện” Pickcleball.
“Hôm
nào bận quá không ra sân được là ngồi làm việc không yên. Tôi nghĩ tới đây môn
này sẽ còn phát triển vì sự hấp dẫn, dễ chơi, vừa sức, phù hợp với nhiều lứa
tuổi”, anh Tuấn bày tỏ.
Hồi
cuối tháng 7, thành phố Sầm Sơn là địa phương đầu tiên tại Thanh Hóa tổ chức
giải Pickleball.
Tham gia Giải đấu có 66 vận động viên là cán bộ, công chức,
viên chức người lao động thuộc cơ quan Thành uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ, các đoàn
thể và các đơn vị trực thuộc. Các vận động viên tranh tài ở 3 nội dung: đôi
nam, đôi nữ và đôi nam nữ.
Dù mới du nhập vào Sầm Sơn từ đầu năm 2024 nhưng
hiện nay đã có hằng trăm người thường xuyên chơi Pickleball. Lần đầu tiên tổ
chức, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn hy vọng sẽ tạo tiền đề để môn thể thao mới này
phát triển.
Do
mới phổ biến nên tại Thanh Hóa hiện nay có rất ít các HLV chuyên về Pickleball.
Nguồn HLV chủ yếu từ môn quần vợt chuyển sang. Pickleball và quần vợt có nhiều
điểm tương đồng nên việc huấn luyện môn thi đấu mới này cho các VĐV không gặp
nhiều khó khăn.
Tháng
7/2024, Sở VH-TT và DL Thanh Hóa đã cử 3 học viên tham gia lớp tập huấn
Pickleball tại Hà Nội. Hiện cơ quan này đang giao phòng quản lý TDTT thống kê
sân tập luyện, thi đấu, ước tính số lượng người chơi môn thể thao này tại Thanh
Hóa. Dự kiến giữa tháng 9 tới đây, Sở VH-TT và DL Thanh Hóa sẽ mở lớp tập huấn
môn Pickleball cho cán bộ làm công tác TDTT các địa phương và đại diện các CLB
Pickleball.
Ra
đời năm 1965, pickleball phát triển mạnh mẽ ở Mỹ trước khi du nhập đến hơn 50
quốc gia khác. Tại Việt Nam, pickleball xuất hiện muộn, vào năm 2018, phát
triển chủ yếu ở TP HCM trước khi ra Hà Nội và đến các tỉnh, thành khoảng hai
năm trở lại đây.
Pickleball
là môn thể thao thi đấu trong nhà hoặc ngoài trời, theo hai thể loại đơn (hai
người chơi), hoặc đôi (bốn người chơi) trên sân hình chữ nhật. Người chơi dùng
một chiếc vợt mặt nhẵn để đánh một quả bóng nhựa rỗng, đục lỗ, qua lưới cao
0,86 m cho đến khi một bên không thể trả bóng hoặc phạm luật. Theo khuyến cáo
của một số chuyên gia thể thao, nếu chơi Pickleball ở mặt sân bê tông, không có
lớp sơn đàn hồi sẽ không đảm bảo độ nảy của bóng, dễ gặp chấn thương.