Còn nhiều thách thức để bệnh viện công lập Việt Nam vươn tới chuẩn chất lượng quốc tế
Trong hành trình cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tại Việt Nam đã đạt nhiều chứng nhận chất lượng quốc tế danh giá, mang lại bước tiến quan trọng cho ngành y tế. TS. BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Bệnh viện FV là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng quốc tế, nhận chứng nhận HAS của Pháp vào năm 2007. Tiếp đó, Bệnh viện Mắt Cao Thắng đã đạt chứng nhận JCI (Joint Commission International) vào năm 2009, một trong những tiêu chuẩn uy tín và khắt khe nhất trong lĩnh vực y tế.
Bệnh viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, người bệnh được chăm sóc và hưởng những dịch vụ tốt hơn. (Ảnh ST)
Các bệnh viện khác cũng tiếp tục nối tiếp thành công khi đạt chứng nhận từ Hội đồng Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe Australia (ACHSI), bao gồm Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc vào năm 2016, Bệnh viện Hoàn Mỹ năm 2017, Trung tâm Mắt Hải Yến vào năm 2023, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh cùng năm 2023. Đáng chú ý, Bệnh viện Hùng Vương tại TP.HCM đã trở thành bệnh viện công lập đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận ACHSI, một thành tựu đáng tự hào trong hệ thống y tế công lập.
Tuy nhiên, TS. BS Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, các bệnh viện công lập tại Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn trong việc đạt được chứng nhận chất lượng quốc tế. Các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng tiêu chí của chứng nhận quốc tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện công lập còn gặp khó khăn trong tự chủ tài chính do giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng, thu đủ, khiến họ thiếu nguồn lực để đầu tư vào nâng cấp chất lượng và dịch vụ y tế.
Một trong những thách thức lớn khác là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập, trong khi xu hướng chuyển dịch nhân lực y tế từ khối công lập sang khối tư nhân ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến việc các bệnh viện công thiếu hụt nhân sự được đào tạo bài bản về quản trị bệnh viện và quản lý chất lượng, gây khó khăn trong việc tham gia và duy trì các chứng nhận quốc tế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng tại nhiều bệnh viện công lập được đầu tư từ trước và gặp khó khăn trong việc nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù vậy, theo TS. BS Nguyễn Trọng Khoa, các bệnh viện công lập hiện đang đứng trước những cơ hội mới nhờ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật này khuyến khích các cơ sở y tế áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn quốc tế và thừa nhận giá trị của các chứng nhận quốc tế tại Việt Nam. Ông cho biết, nhiều nội dung trong Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Việt Nam đã tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp các bệnh viện dễ dàng tiếp cận và áp dụng thành công tiêu chuẩn này.
Bà Louise Cuskelly – Giám đốc Điều hành ACHSI chia sẻ, chứng nhận quốc tế là công cụ quan trọng để thúc đẩy sự cải tiến liên tục, nâng cao chất lượng chăm sóc, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bà nhấn mạnh: “Công nhận quốc tế là hành trình chứ không phải là một sự kiện. Để được công nhận đã khó, nhưng giữ được công nhận là điều khó hơn. Đây cũng chính là động lực để các cơ sở y tế không ngừng nâng cao chất lượng và uy tín của mình.”
Ở góc độ quản trị bệnh viện, PGS. TS. BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đưa ra những thách thức trong việc nâng cao năng lực quản lý tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa thay đổi kịp thời để tương thích với mức độ tự chủ tài chính mới của các bệnh viện. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong y tế chuyên sâu được đẩy mạnh, nhưng hạ tầng công nghệ thông tin và nhân lực công nghệ tại các bệnh viện vẫn chưa được đầu tư tương xứng.
PGS. TS. BS Tăng Chí Thượng cũng nhấn mạnh, các bệnh viện thuộc ngành y tế TP.HCM cần tăng cường hợp tác đa chiều và phát huy nguồn lực sẵn có để phát triển. Ông kêu gọi hợp tác giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố để phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đồng thời hợp tác với tổ chức y tế quốc tế uy tín để triển khai hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng và phòng, chống dịch bệnh.
“Tăng cường hợp tác với các tổ chức thẩm định và công nhận chất lượng quốc tế là rất cần thiết, để phấn đấu đạt các chứng nhận chuyên khoa quốc tế có giá trị,” ông Thượng khẳng định.
Nhìn chung, hành trình đạt được chứng nhận chất lượng quốc tế là con đường đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành y tế Việt Nam. Những nỗ lực cải cách và cam kết theo đuổi tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong nước mà còn góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với cộng đồng y tế toàn cầu.
Duy Trinh (t/h)