Con đường huyền thoại trên biển

(Xây dựng) – Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã đi vào huyền thoại. Nhưng gần đây, chúng ta mới biết đến Đoàn tàu Không số, 14 năm trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành sự kiện có một không hai trong lịch sử thế giới. Đặc biệt hơn, những chiến sĩ hải quân trên Đoàn tàu đó, họ đã trở thành huyền thoại và có thể nói: Họ là những người anh hùng trên biển góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc.

con duong huyen thoai tren bien
Tàu không số đang vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu Không số), chúng tôi đã phỏng vấn ông Đào Hồng Tuyển – Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số – Uỷ viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu về sự kiện này.

PV: Thưa ông! Đoàn tàu Không số và con đường huyền thoại trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành trên cơ sở nào và từ bao giờ?

Ông Đào Hồng Tuyển: Từ 5 con tàu gỗ thô sơ đầu tiên từ miền Nam bí mật vượt biển ra miền Bắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉnh phủ ta lúc đó mới nghĩ ra kế hoạch thành lập Đoàn tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển. Tháng 7/1959 ,Tiểu đoàn Vận tải biển 603 được thành lập với tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

con duong huyen thoai tren bien
Ông Đào Hồng Tuyển cùng các cựu chiến binh Đoàn tàu Không số.

Ngày 23/10/1959, Bộ Chính trị và Quân Uỷ Trung ương Việt Nam mở tuyến vận tải biển bí mật mang tên: Đường Hồ Chí Minh trên biển, từ miền Bắc vận tải vũ khí vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam.

Đến ngày 27/1/1960 (vào đúng 30 Tết Canh Tý) chuyến tàu đặc biệt đã xuất phát gồm 6 người do đồng chí Nguyễn Bất chỉ huy chở chuyến vũ khí đầu tiên từ miền Bắc vào hậu cứ miền Nam.

Người trực tiếp chỉ huy tuyến vận tải bí mật này là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Vậy, ông tham gia quân đội từ khi bao nhiêu tuổi? Tại sao chiến tranh đã lùi xa mà đến bây giờ chúng ta mới nói đến Đoàn tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển?

Ông Đào Hồng Tuyển: Do hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ khốc liệt lắm. Vì tinh thần yêu nước, tôi đã tình nguyện tham gia quân đội từ lúc mới hơn14 tuổi. Sau chiến tranh, chúng ta vẫn hy vọng có thể sử dụng chiến thuật này vào một lúc nào đó nên phải giữ bí mật. Nay do sự tiến bộ không ngừng của công nghệ quốc phòng, nên không thể áp dụng chiến thuật này được. Do vậy cần phải được công khai để mọi người có thể biết và tự hào.

PV: Việc tuyển chọn và những điều kiện như thế nào để có thể trở thành những “dũng sỹ” trên Đoàn tàu Không số?

Ông Đào Hồng Tuyển: Ngoài những yếu tố về lý lịch gia đình, sức khoẻ, tinh thần yêu nước, lòng can đảm, trí thông minh và năng khiếu bơi lội nữa… nhưng cũng chỉ tuyển được 30 người/800 người mà thôi. Một điều kiện bắt buộc là, những chiến sỹ làm nhiệm vụ đặc biệt trên Đoàn tàu Không số phải tuyệt mật không được liên lạc, thông tin với người thân và gia đình. Có người đến hơn chục năm trời coi như là mất tích. Có trường hợp của đồng chí Thắng – Anh hùng được bí mật gặp vợ, sau đó vợ có thai nhưng vẫn phải loan tin là chửa hoang. Chửa hoang lúc bấy giờ bị xã hội lên án gay gắt và miệt thị lắm nhưng chị ấy vẫn cắn răng chịu đựng.

PV: Mỗi con tàu của các ông được bố trí như thế nào để qua được mắt địch? Nếu bị phát hiện thì xử trí ra sao?

Ông Đào Hồng Tuyển: Tàu của chúng tôi được nguỵ trang dưới hình thức là tàu đánh cá. Trên tàu cũng phơi lưới, có cá hẳn hoi. Thi thoảng chúng tôi cũng thả lưới cho rong rêu bám vào, và khi gặp tàu chiến của quân đội miền Nam Cộng hoà ghé sát chúng tôi thường phải “hối lộ” họ bằng cá, hoặc bằng tiền… Tàu được đóng 2 lớp đáy, có khi tháo rời cả vũ khí hạng nặng để cho vào đáy. Gọi là Không số chứ thực ra là chúng tôi dùng rất nhiều biển số giả khác nhau cùng với căn cước giả theo biển số đó để qua mắt đối phương. Thậm chí chúng tôi có thể sơn lại màu tàu ngay trên biển. Mỗi con tàu thường được gắn 3 khối bộc phá khoảng 3 tấn ở 3 khoang : Đầu, thân và đuôi. Nếu đường cùng không thoát thân được thì 11 thuỷ thủ nhảy xuống biển trốn chạy chỉ để lại một đồng chí chính trị viên ở lại điểm hoả. Khi đó tàu ta lao thẳng vào tàu địch để “cùng nhau” tan xác… Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chở vũ khí vào hậu cứ chứ không phải là chiến đấu, cho nên chủ yếu là tìm cách chạy trốn thoát thân là chính. Thực ra, địch cũng chỉ phát hiện được tàu của chúng tôi khoảng 20%. Con tàu trong bức ảnh người Mỹ chụp “con tàu ma” mà chúng tôi đang có trong tay, họ không giám tấn công vì không xác định rõ là tàu gì.

PV: Ông có thể kể một trường hợp phải chiến đấu ác liệt nhất?

Ông Đào Hồng Tuyển: Đó là trường hợp tàu C.235 (nhật ký C.235 từ 1 giờ 30 phút sáng 1/3/1968)… Tại vùng biển Nha trang, đội tàu tuần tra của địch phát hiện tàu C.235 bằng ra-da, chúng tắt hết đèn pha để theo dõi, xiết chặt vòng vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lập tức lệnh cho thả hàng xuống nước (cánh bờ vài trăm mét) để vớt sau. 4 tàu lớn nhỏ của địch vẫn bám sát…Tàu địch điện cho nhau tất cả đồng loạt bật đèn pha, tàu nào không bật là tàu đối phương (bài tường thuật của Đài Tự Do). Tàu C.235 bị lộ và cuộc săn đuổi của địch bắt đầu diễn ra… Khi còn cách bờ khoảng 100 mét, Phan Vinh cho tất cả anh em rời tàu bơi vào bờ lẩn trốn, còn một mình ở lại hẹn giờ nổ… 15 phút. Đúng 2 giờ 40 phút, ngày 1/3/1968 một tiếng nổ cực lớn bùng lên. Tàu C.235 bị khối thuốc nổ 3 tấn cắt làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Ba Nam… Sau đó là cuộc truy tìm bắn phá cày nát một vùng biển của máy bay và tàu định. Con tàu C.235 có 20 đồng chí, cuối cùng chỉ còn 5 người còn lại sống sót. Thuyền trưởng Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ là 2 người rời khỏi tàu sau cùng và kiên cường đánh trả địch đến hơi thở cuối cùng…

PV: Với 14 năm kiên cường, dũng cảm, các chiến sĩ của ta cùng Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại. Ông có thể cho biết những kết quả Đoàn tàu mang lại?

Ông Đào Hồng Tuyển: Đoàn tàu đã đi trên 4 triệu hải lý; vận tải 2000 chuyến; chở 16 vạn tấn vũ khí đưa vào hậu cứ; đưa 80 ngàn lượt người trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng…

con duong huyen thoai tren bien
Ông Đào Hồng Tuyển.

Tính hiệu quả của Đoàn tàu Không số đó là: Một con tàu chở 60 tấn vũ khí, chỉ cần 10 người thì 9 ngày sau là chúng tôi đã tới hậu cứ. Trong khi phải 1500 người vận chuyển số vũ khí đó đi trong 5 tháng, mà chỉ vào tới giáp ranh thôi. Và chỉ một con tàu ấy thôi đủ trang bị cho một tiểu đoàn bộ binh.

PV: Ông có thể cho biết cuộc sống của chiến sĩ dũng cảm của chúng ta trên Đoàn tàu Không số bây giờ ra sao? Có cách nào để động viên, khích lệ họ và khơi dậy niềm tự hào về thế hệ cha, anh với lớp trẻ?

Ông Đào Hồng Tuyển: Những người lính ấy, họ rất đỗi anh hùng. Sau mười mấy năm kiên cường trên biển làm nhiệm vụ thầm lặng, họ vẫn tiếp tục thầm lặng hy sinh sau chiến tranh. Và họ không kịp hội nhập với đất liền do không có nghề nghiệp… Hiện, cũng chỉ còn chưa đến chục người trong Đoàn tàu Không số còn sống. Chúng tôi rất tự hào và cảm động khi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp thân mật hôm 14/4/2011 tại Phủ Chủ tịch. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân, chúng tôi đã được Đảng và Chính phủ phong tặng và truy tặng thành tích cho trên 10 đồng chí anh hùng.

Tôi nghĩ, chỉ có lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do cùng với niềm tự hào dân tộc mới có thể khiến chúng ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chiến đấu ngoan cường và dũng cảm như những chiến sỹ cảm tử trên Đoàn tàu Không số. Những gì họ làm được hôm qua, mãi mãi là bài học, là tấm gương về trí thông minh, về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm cho các thế hệ mai sau noi theo./.

PV: Vâng! Cảm ơn sự hợp tác của Ông. Chúc Ông và các chiến sỹ trên Đoàn tàu Không số của chúng ta tiếp tục ghi những “chiến công” mới trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích