Con Cuông (Nghệ An): Phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững
Con Cuông (Nghệ An): Phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững
Nằm ở phía Tây Nam Nghệ An, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Con Cuông có gần 164.600ha, chiếm 89,91% so với tổng diện tích đất tự nhiên
Trong đó: Rừng phòng hộ 17.961,16 ha; rừng đặc dụng 73.882,07 ha; rừng sản xuất 57.761,02 ha (có 7.023,5 ha là rừng sản xuất ngoài quy hoạch 3 loại rừng). Độ che phủ rừng đạt cao nhất tỉnh với 84,35%. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp. Những chính sách đó đã khuyến khích và huy động nhiều tập thể, hộ gia đình cá nhân tích cực, hăng hái tham gia nhận đất trồng rừng. Bình quân, mỗi năm toàn huyện Con Cuông trồng từ 1.500-1.800 ha rừng tập trung.
Những năm gần đây, xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, huyện miền núi Con Cuông đã chú trọng bảo vệ và phát triển ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) đạt hiệu quả, nhất là rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được tập thể và nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng diện tích. Tại các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bồng Khê… rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ được phát triển mạnh; những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững. Hầu hết khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh giới và cơ chế hưởng lợi của người dân rõ ràng cho nên hạn chế được tình trạng khiếu nại xảy ra.
Cùng với đó, các xã trong huyện cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, kiểm tra, tuần tra rừng tận gốc, công tác kiểm soát lâm sản được tăng cường thường xuyên. Công tác tuyên truyền, ký cam kết phòng chống cháy rừng được quan tâm, các chủ rừng đã thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các cấp, ngành chức năng tích cực ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định.
Lợi ích từ rừng đã thấy rõ. Song thực tế hiện nay, phát triển kinh tế rừng ở Con Cuông vẫn gặp không ít khó khăn. Người dân chưa biết thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Một bộ phận vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Việc liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ nên khâu tiêu thụ chưa ổn định. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhân rộng các mô hình phát triển lâm nghiệp tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm so với yêu cầu… Công tác giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu nhận đất, nhận rừng của người dân trên địa bàn để rừng thực sự có chủ từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ rừng.
Khắc phục những khó khăn, hiện nay, Con Cuông đang tập trung tái cấu trúc toàn diện ngành Lâm nghiệp. Trong đó, huyện tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu; nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị