Còn 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế
Theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay vẫn còn 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế; 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ; 9,5% sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ. Một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, từ 36 đến trên 50%. Đáng buồn là tỷ suất trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi tử vong lên đến 2,2%.
Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ cô đỡ thôn bản đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc, biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.
Tại Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF cho biết, các cô đỡ thôn, bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: Tuyết Vân) |
Bà Lesley Miller cũng đề xuất lĩnh vực cần được Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan và chính quyền cấp tỉnh tiếp tục quan tâm và có các hành động sát sao hơn nữa, gồm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đối với cô đỡ thôn bản, đặc biệt là ở tuyến tỉnh;
Xây dựng và cập nhật các nghị quyết, kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản, bao gồm việc phân bổ ngân sách đầy đủ trong bối cảnh tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam.
Trong khi việc tăng cường đầu tư từ Chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương để duy trì sự bền vững của đội ngũ cô đỡ thôn bản là điều kiện tiên quyết, cũng cần tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt trong việc đào tạo xây dựng nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn bản ở các tỉnh có nhu cầu.
“Để tiến tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, chặng đường cuối cùng có thể sẽ là chặng đường gian nan thử thách nhất. Tôi tin rằng nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, chung sức, và đồng lòng, có thể đảm bảo việc mang thai và sinh nở an toàn cho tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam”, bà Lesley Miller nói.
Đến hiện tại đã có 1.549 cô đỡ thôn, bản được đào tạo hiện đang hoạt động trong tổng số 5.111 thôn bản đặc biệt khó khăn (chiếm 30,31%). Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Vai trò của cô đỡ thôn bản đã được ngành Y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận. Đội ngũ cô đỡ thôn, bản chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của trạm y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của cô đỡ thôn, bản còn nhiều khó khăn, tính đến nay, chỉ có hơn 900 trong số các cô đỡ đang làm việc và được nhận phụ cấp hàng tháng. Một vài lý do có thể kể đến như, không được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, không được gia đình ủng hộ, không được đảm bảo đầy đủ trang bị thiết bị, vật tư y tế để thực hiện công việc.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô