Colombia áp dụng sáng kiến biến gỗ lậu thành tổ ong

Colombia áp dụng sáng kiến biến gỗ lậu thành tổ ong

Ở phía Đông Bắc Colombia, cảnh sát bảo vệ các nhà kho chất đầy gỗ lậu bị tịch thu. Những khúc gỗ này sẽ trở thành nơi trú ngụ cho những đàn ong đang chịu tác động bởi thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt và nhiều hình thái thời tiết cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây ra đã làm giảm số lượng hoa vốn rất quan trọng với loài ong. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng vô sinh của ong còn liên quan đến căng thẳng vì nhiệt độ. Ảnh: AFP

Kênh Al Jazeera đưa tin tỉnh Santander phía Bắc Colombia đã triển khai sáng kiến mang tên “Timber Returns Home”, theo đó họ dùng gỗ khai thác bất hợp pháp để làm tổ ong từ năm 2021.

Sở Môi trường Santander cho biết tính đến nay, khoảng 200 mét khối gỗ đã được chuyển thành 1.000 tổ ong, và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo là 10.000 tổ ong.

Trước đây, gỗ tịch thu được biến thành mùn cưa và tặng cho chính quyền địa phương để thực hiện dự án, hoặc đôi khi chỉ để mục nát. Giờ đây, gỗ lậu đang được tái sử dụng để giúp giải quyết vấn đề cực kỳ nghiêm trọng về nguy cơ tuyệt chủng của loài ong.

Chú thích ảnh
Theo dữ liệu chính thức, khoảng 3.000 tổ ong, mỗi tổ gồm khoảng 50.000 con ong, biến mất hàng năm ở Colombia. Kết quả xét nghiệm cho thấy dấu vết của thuốc trừ sâu fipronil ở hầu hết côn trùng chết. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Colombia đã cấm fipronil bắt đầu từ tháng 2/2024. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Nhà sinh vật học German Perilla (phải) trao tổ ong làm từ gỗ lậu cho người nuôi ong Maria Zoila Acevedo ở Socorro, tỉnh Santander, Colombia. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Colombia đã mất 123.517 ha cây xanh vào năm 2022, chủ yếu ở Amazon – khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Một kho chứa gỗ lậu tại Santander, Colombia. Ảnh: AFP

Nhà sinh vật học German Perilla cho biết khoảng 3/4 số cây trồng ra quả hoặc hạt cho con người tiêu thụ đều phụ thuộc vào quá trình thụ phấn của ong. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo rằng 40% các loài thụ phấn không xương sống – đặc biệt là ong và bướm – có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Người nuôi ong Maria Acevedo, một trong những cá nhân được hưởng lợi từ dự án, cho biết: “Mối đe dọa chính là chúng ta sẽ hết cây và không có hoa trong khi ong dựa vào hoa. Không có ong thì không có con người và chúng ta sẽ hết thức ăn”.

Bà cho biết, chỉ riêng năm 2023, bà đã mất hơn một nửa số tổ ong. Bà cho rằng thuốc trừ sâu được sử dụng trong sản xuất cây trồng gần đó như cà phê đã tác động đến điều này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích