Cô Tô (Quảng Ninh): Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững
(Xây dựng) – Sau 30 năm thành lập (1994-2024), với tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, kinh tế – xã hội của huyện Cô Tô chuyển dịch tích cực, có bước phát triển nhanh, bền vững. Trước thềm năm mới 2024, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Dũng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô về định hướng phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo trong thời gian tới.
Cô Tô đang hướng đến mục tiêu là một Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, sang trọng. |
PV: Được coi là “viên ngọc quý” vùng biển đảo Đông Bắc, huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh có trên 74 đảo lớn nhỏ, mang trong mình nhiều giá trị để phát triển du lịch biển đảo. Đặc biệt, trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2025, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch sinh thái quốc gia chất lượng cao, thành phố biển thông minh. Xin ông cho biết, thời gian qua, huyện Cô Tô đã quan tâm đầu tư, triển khai công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng ra sao?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Nói Cô Tô là viên ngọc quý của vùng Đông Bắc quả không sai, Cô Tô là vùng biển đảo có vị thế chiến lược địa chính trị, an ninh quốc phòng quan trọng với diện tích 53,68km2, có 74 đảo. Ngoài những giá trị đặc trưng về biển, Cô Tô được đánh giá cao và thực sự hấp dẫn du khách bởi gắn liền với đó là đa dạng sinh thái, các giá trị cảnh quan, địa chất độc đáo. Gắn liền với biển là các hệ sinh thái rừng, sự đa dạng về sinh thái tạo nên cảnh đẹp tự nhiên, phong phú không chỉ là chức năng phòng hộ mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên với nhiều loại động vật hoang dã. Đây là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa mạo hiểm và nghiên cứu khoa học, thực hiện những trải nghiệm khám phá. Bên cạnh đó, Cô Tô còn có một hệ thống di tích, danh thắng văn hóa độc đáo trải dài khắp các đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con, đảo Thanh Lân, như: Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, Bãi đá Móng Rồng, Hải đăng Cô Tô cùng các giá trị văn hóa bản địa…
Đặc biệt, trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2025, huyện đảo Cô Tô xác định mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vùng biển đảo, phát triển nhanh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững; phát triển mạnh và đa dạng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại.
Cùng với gìn giữ tài nguyên du lịch biển đảo, thời gian qua, Cô Tô chú trọng phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, làm “đòn bẩy” phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, tăng tốc du lịch. Với định hướng đó, Cô Tô dành ưu tiên cho phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch. Trong vòng 3 – 5 năm trở lại đây, bằng nguồn lực của tỉnh và địa phương, Cô Tô thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, tạo chuyển biến mới cho hạ tầng phục vụ du lịch.
Đó là mạng lưới giao thông kết nối, hệ thống cảng, bến, đường xuyên đảo đồng bộ ở đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân, đảo Trần; Hồ chứa nước sinh hoạt Trường Xuân dung tích 170.000m3, hồ chứa nước C4, trung tâm y tế, thương mại… Các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả không chỉ tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển, trang bị cơ sở vật chất cho du lịch mà còn tạo diện mạo mới, khang trang cho đô thị biển thông minh trong tương lai.
Song song với đó, Cô Tô đang hướng đến mục tiêu là một Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, sang trọng khi huyện đang tập trung triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hướng đến phân khúc khách du lịch có thu nhập cao không chỉ khách nội địa mà còn cả quốc tế. Đây là một hướng đi đúng, mang tính bền vững trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng, bởi khi hạ tầng đường nâng cấp mở rộng, thì đời sống của người dân mới được cải thiện và từ đó sẽ tạo tiền đề để phát triển Cô Tô là điểm đến du lịch trọng điểm.
PV: Cơ cấu kinh tế của Cô Tô chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển dịch kinh tế tại Cô Tô so với các năm trước đây?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Năm 2023, du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của Cô Tô bứt phá ngoạn mục, lượng khách du lịch đến địa bàn đã có những tăng trưởng mạnh mẽ. Du lịch tăng trưởng ấn tượng, tổng lượng khách đạt trên 320.000 lượt; trong đó khách quốc tế 2.100 lượt khách, bằng 240% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt trên 800 tỷ đồng, bằng 144% cùng kỳ. Lượng khách đến Thanh Lân năm 2023 đạt gần 10.000 khách. Du lịch đã tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 130 triệu đồng (cao hơn gần 45 triệu so với trung bình chung của các địa phương biên giới, biển đảo của tỉnh). Năm 2023, người dân trên địa bàn toàn huyện rất phấn khởi, các khoản nợ, vay các ngân hàng từ năm 2020 (từ thời điểm Covid-19 đến nay) được trả hết cả gốc, lãi, không có nợ quá hạn, đồng thời người dân đang tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để sẵn sàng đón khách du lịch từ những ngày đầu năm 2024.
Điều đó cho thấy Cô Tô đang đi đúng hướng, lĩnh vực du lịch, dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo; xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững. Du lịch là một ngành được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” đã giúp người dân và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm, bởi du lịch là hoạt động xuất khẩu hiệu quả nhất. Du lịch góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương thông qua việc thu thuế các cơ sở và hoạt động trên địa bàn. Du lịch phát triển làm cho nhu cầu về hàng hóa dịch vụ tăng lên, góp phần mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ các loại hàng hoá dịch vụ này. Ngoài ra, hoạt động du lịch còn tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh các ngành kinh tế khác. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng: Nông, lâm, thủy sản chiếm 13,2%; công nghiệp, xây dựng chiếm 18,5%; dịch vụ, du lịch chiếm 68,3%.
PV: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tại Cô Tô nhưng kéo theo đó cũng là những thách thức, đặc biệt là về môi trường. Vậy thưa ông, Cô Tô đã có những giải pháp gì để có thể hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Bảo vệ môi trường luôn được Cô Tô đặt lên hàng đầu, chúng tôi đang kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Chính vì vậy, để giữ được sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn, giữa gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên tạo. Cô Tô đã huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị điều đó đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ý thức nhân dân, khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương. Hiệu quả của Đề án 175 “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa” đã đem lại nhiều kết quả tích cực, môi trường và hệ sinh thái biển được cải thiện rõ rệt, minh chứng là nhiều loại động vật biển đã quay trở lại vùng biển Cô Tô nhiều lần trong năm 2023 như: Rùa biển, cá voi, cá heo chim Hải Âu liên tục xuất hiện với số lượng trên vùng biển Cô Tô.
Cô Tô đã và đang là điểm đến du lịch của du khách khi lựa chọn du lịch biển đảo, ngành Du lịch của huyện Cô Tô đã từng bước được đầu tư, cải thiện về cơ sở vật chất và nâng cao về chất lượng dịch vụ. Việc phát triển du lịch đã nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân trên đảo, bên cạnh đó kéo theo là những tác động đến môi trường biển đảo. Với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, Huyện ủy – HĐND và UBND huyện Cô Tô đã xác định phát triển bền vững, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường biển đảo, môi trường sinh thái biển đảo. Trong những năm qua, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường như triển khai thực hiện các đề án về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là Đề án Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa, Đề án Phân loại rác thải tại nguồn, đề án Hạn chế sử dụng túi nilon; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải bãi biển; Tổ chức hoạt động thường xuyên dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, tại các bãi biển… Hiện nay, huyện Cô Tô đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt vùng lõi thị trấn Cô Tô nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nước thải sinh hoạt, đặc biệt là mùa du lịch. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Đề án Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa, huyện Cô Tô đã triển khai thông tin, tuyên truyền và yêu cầu khách du lịch khi ra đảo Cô Tô không được mang túi nilon ra đảo; tổ chức các tour du lịch biển đảo bằng các hoạt động thu gom rác thải tại bãi biển cho khách du lịch… Bên cạnh đó, huyện Cô Tô đã tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch về phát triển kinh tế – xã hội, về môi trường, về phát triển du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường; tích cực tham gia phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai có hiệu quả các vấn đề về môi trường trên địa bàn huyện.
Năm 2023, du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của Cô Tô bứt phá ngoạn mục, lượng khách du lịch đến địa bàn đã có những tăng trưởng mạnh mẽ. |
PV: Trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, địa phương đang khát vọng xây dựng trở thành khu du lịch chất lượng cao, thành phố biển thông minh. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tầm nhìn cụ thể ra sao trong ngắn hạn và dài hạn thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Trước mắt, để phát triển du lịch Cô Tô đủ sức cạnh tranh với các địa phương có tính tương đồng và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Cô Tô lần VI đã đề ra, hàng năm huyện xây dựng các Nghị quyết, Kế hoạch với trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ:
Đổi mới và nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp du lịch cũng như người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch Cô Tô và vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng, biển trong phát triển du lịch.
Ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch, giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống và thu nhập của người dân địa phương.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Xây dựng và triển khai chương trình về bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành du lịch về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp. Thường xuyên điều tra, thống kê, đánh giá và phân loại nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện có đang làm việc tại Cô Tô; phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp dự báo nhu cầu lao động trong ngành du lịch để có giải pháp đào tạo, thu hút lao động, phù hợp với tình hình địa phương. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ, tư vấn phát triển du lịch bền vững của Cô Tô. Phối hợp tổ chức các chương trình để tạo cầu nối cho doanh nghiệp và đội ngũ lao động trên địa bàn huyện.
Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với phát triển du lịch xanh, sinh thái, tăng trưởng bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, giảm thiếu tối đa phát sinh rác thải nhựa và các tác động đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, cảnh quan, môi trường tự nhiên, giảm thiểu thiên tai, phòng chống biển đổi khí hậu; giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, phát triển thị trường khách du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch hằng năm; đẩy mạnh công tác truyền thông trên Internet, trên các trang website du lịch huyện, các diễn đàn du lịch có lượng người truy cập cao; nâng cao chất lượng các bài viết, phóng sự giới thiệu về di tích, danh lam thắng cảnh, tài nguyên, môi trường rừng, biển, ẩm thực, lễ hội… của huyện; xây dựng các loại ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú về nội dung, ngôn ngữ và hình thức; chú trọng thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong nước; xây dựng chương trình nhiệm vụ quảng bá nước ngoài, xúc tiến tại thị trường tiềm năng, quảng bá trên các tàu cao tốc, cảng tàu và sân bay khu vực lân cận. Chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường khách du lịch.
Phát triển du lịch phải gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cuộc CMCN 4.0; phát triển chú trọng về chiều sâu, chất lượng, nâng tầm thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các khu du lịch tương đồng.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, quản lý quy hoạch, rà soát điều chỉnh các quy hoạch hiện có, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư phát triển du lịch. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch theo quy hoạch; rà soát bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch để kêu gọi, thu hút đầu tư. Rà soát, quy hoạch các khu vực mặt nước, bãi triều để phát triển các loại hình thể thao giải trí trên biển để tăng nguồn thu từ các dịch vụ du lịch.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Xây dựng môi trường kinh doanh du lịch, dịch vụ lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch.
Tạo môi trường du lịch văn minh thân thiện, an toàn và hấp dẫn khách du lịch; giữ vững kết quả 5 không “không trộm cắp, không ma túy, không tệ nạn, không người nghèo, không có người ăn xin”. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh du lịch, tạo được dấu ấn tốt trong lòng du khách về môi trường xã hội lành mạnh, môi trường thiên nhiên trong lành, ứng xử của người dân Cô Tô thân thiện, mến khách. Xây dựng quy tắc ứng xử xã hội của từng ngành, lĩnh vực.
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, liên kết phát triển du lịch. Rà soát, tăng cường tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ huyện tới cấp xã có đủ số lượng, chất lượng, chuyên môn tham mưu quản lý, phát triển du lịch Cô Tô đáp ứng các điều kiện trở thành khu du lịch quốc gia.
Trong tầm nhìn dài hạn Cô Tô xác định phát triển du lịch Cô Tô phù hợp với quy hoạch Cô Tô đến 2030, tầm nhìn đến 2040:
Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp; tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao tại các đảo thuộc địa bàn xã Đồng Tiến, đảo Cô Tô con, Thanh Lân. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn; nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, du lịch theo hướng ưu tiên thu hút đối tượng khách có năng lực chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Không khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch bình dân và các tour du lịch giá rẻ nhằm hạn chế việc tác động xấu đến môi trường và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật.
Ưu tiên, khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; thí điểm phát triển các sản phẩm du lịch đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và du khách hưởng ứng và lựa chọn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan và an toàn; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm thu hút khách vào dịp thấp điểm, mùa Thu, mùa Đông.
Phát triển khu du lịch Cô Tô trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa và sinh thái biển đảo của tỉnh Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc bộ; liên kết chặt chẽ với Vân Đồn trở thành vùng du lịch Vân Đồn – Cô Tô. Nâng cao vai trò, vị trí của huyện Cô Tô, kết nối chặt chẽ với huyện Vân Đồn, thành phố Hạ Long, Móng Cái để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.
Hoàn thiện hạ tầng du lịch và cơ sở dịch vụ, đảm bảo các tiêu chí để phấn đấu trước 2030 Cô Tô được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Xây dựng du lịch Cô Tô đạt được một số danh hiệu du lịch tầm quốc tế và thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, khách có khả năng chi trả cao, là điểm đến không thể bỏ qua của khách quốc tế khi đến Hạ Long và Việt Nam.
PV: Xin chân trọng cảm ơn ông!
Bảo vệ môi trường luôn được Cô Tô đặt lên hàng đầu, chúng tôi đang kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Chính vì vậy, để giữ được sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn, giữa gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, Cô Tô đã huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị điều đó đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ý thức nhân dân, khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương. |
Nguồn: Báo xây dựng