Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Nhà lãnh đạo có tư duy chiến lược, dám nghĩ, dám làm và gần dân
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm.
Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua đó, đúc kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc. Với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc, cố Thủ tướng đã để lại những dấu ấn quan trọng và những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới… là những bài học quý cho hôm nay nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội và bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp.
“Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo. |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những bài học quý báu về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược, tiên phong, không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung để giải quyết những vấn đề bức thiết, những đòi hỏi của nhân dân và thực tiễn cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tin tưởng, tại Hội thảo khoa học này, với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn, những nhân chứng lịch sử, thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với đồng chí Võ Văn Kiệt sẽ làm sáng rõ hơn, sâu sắc và đầy đủ, sống động hơn nữa phẩm chất, tài năng, công lao, cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng như rút ra bài học kinh nghiệm đối với tiến trình phát triển của Đảng và cách mạng Việt Nam, trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nhất là của TP.HCM.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Khi mọi người nhắc về “chú Sáu Dân” cũng đều có thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Điều đó nhắc nhở rằng, các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng; vận sáng tạo vào bối cảnh, điều kiện, nhiệm vụ, yêu cầu mới, tạo giá trị mới, để góp phần đưa đất nước vượt qua thử thách mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cương lĩnh xây dựng đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông mất ngày 11/6/2008. Năm 1938, ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1939, vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đến năm 1945, Võ Văn Kiệt làm ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Sau khi kinh qua nhiều chức vụ với các nhiệm vụ khác nhau, đến năm 1976, ông làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, rồi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Sau đó, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 – 1997), ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô