Có quỹ đất “sạch” rộng lớn, Kon Tum đề xuất xây sân bay 4.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều năm qua, Măng Đen được xem là “trái tim” du lịch của tỉnh Kon Tum. Với xu thế du lịch tìm về với thiên nhiên, núi rừng, khí hậu và cảnh quan Măng Đen được nhiều du khách thập phương ưa chuộng.
Theo Trung tâm Văn hóa, thể thao, du lịch và Truyền thông huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong 2 ngày đầu tiên của dịp lễ 2/9/2022, có khoảng 11.000 lượt du khách đến Măng Đen. Từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách đến Măng Đen tăng đều qua các tháng với gần 120.000 lượt khách trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Chính vì du lịch phát triển nên tỉnh Kon Tum mong muốn có sân bay đặt tại Măng Đen. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Kon Tum là tỉnh miền núi cao, biên giới, trong vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Việc có thêm sân bay sẽ giúp Kon Tum phát triển kinh tế du lịch…
Theo đề xuất của UBND tỉnh Kon Tum, Cảng hàng không Măng Đen có quy mô, sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Thị trấn Măng Đen được đánh giá có một số vị trí thuận lợi để xây dựng sân bay như: giao thông kết nối thuận lợi, gần Quốc lộ 24, tốc độ gió nhỏ, có mặt bằng rộng, phẳng, với khối lượng đào đắp không nhiều, thuận tiện cho việc bố trí đường cất hạ cánh…
Công suất thiết kế của Cảng hàng không Măng Đen là từ 3 – 5 triệu hành khách/năm. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện là từ năm 2023 – 2027. UBND tỉnh Kon Tum nhận thấy cần phải có một cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương.
Hiện tại du khách Hà Nội, TP.HCM muốn đến Măng Đen du lịch phải đặt vé may bay tới sân bay Plieku (tỉnh Gia Lai) hoặc sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk). Từ Gia Lai di chuyến đến Măng Đen phải mất hơn 120km, từ Đăk Lăk di chuyển phải mất hơn 300km. Vì khoảng cách này nên Măng Đen còn hạn chế trong thu hút du khách ở các thị trường tiềm năng cũng như du khách kết nối với tour, tuyến nước ngoài.
Anh Trần Văn Hải – người dân thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, đời sống người dân địa phương được nâng cao nhờ làm các dịch vụ du lịch, phục vụ du khách như mở Homestay, Farmstay, quán cà phê, dịch vụ cho thuê xe máy, nhà hàng… Với 350ha đất làm sân bay, Măng Đen rất thuận lợi vì quỹ đất còn rộng, nhà nước giảm đi khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, không tốn kém và đắt đỏ như bồi thường đất đai tại các thành phố lớn. Tôi nghĩ có sân bay, Măng Đen sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có”.
Vào năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định số 861/QĐ-BGTVT về việc Phê duyệt Quy hoạch sân bay tỉnh Kon Tum, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020. Theo đó, sân bay Kon Tum là sân bay dân dụng cấp 3C (theo tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) được xây dựng tại xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum với chức năng, tính chất sử dụng: Bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ tìm kiếm cứu nạn… Có thể phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường. Sân bay tại TP. Kon Tum có quy hoạch sử dụng đất 162,2ha, với tổng số vốn hơn 1.543 tỷ đồng. Như vậy, từ trước đến nay tỉnh Kon Tum đã đề xuất bổ sung Măng Đen vào quy hoạch sân thứ bay thứ 2 tại địa phương.