Cổ phiếu thép, hàng không dậy sóng
Đà tăng của cổ phiếu HPG đã đưa Hòa Phát trở lại top 10 vốn hóa sàn HoSE với mức tăng hơn 2 tỷ USD, trong khi vốn hóa Vietnam Airlines cũng có thêm hơn 18.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn hồi phục của chứng khoán, thị trường đã ghi nhận một số nhóm ngành bứt phá ấn tượng, gần nhất là nhóm doanh nghiệp thép và hàng không đang mang lại niềm vui cho nhà đầu tư.
Cuối tuần này, cổ phiếu HPG của Hòa Phát bất ngờ tăng mạnh 5,4% lên 20.400 đồng/đơn vị để trở thành cổ phiếu có tác động tích cực nhất lên VN-Index, đồng thời là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất.
Hòa Phát lấy lại 2 tỷ USD vốn hóa
Tính rộng hơn, cổ đông Hòa Phát đã “gỡ gạc” được nhiều tổn thất nhất thời gian qua khi mã chứng khoán này bắt đầu giai đoạn hồi phục từ giữa tháng 11 đến nay, với tổng mức tăng giá gần 70% so với đáy ngắn hạn.
Kết quả này giúp giá trị vốn hóa của “vua thép” tăng thêm 48.263 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), trở lại mốc trên 118.600 tỷ đồng. Con số này vừa đủ đưa Hòa Phát trở lại top 10 doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất sàn HoSE. Tuy nhiên, quy mô vốn hóa này vẫn chưa bằng phân nửa so với cuối năm 2021.
Xếp trên Hòa Phát trong danh sách này là một số tên tuổi lớn như VPB của VPBank, MSN của Tập đoàn Masan, CTG của VietinBank… Đứng đầu bảng xếp hạng giá trị niêm yết toàn thị trường hiện vẫn là nhóm doanh nghiệp quen thuộc Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và PV Gas (GAS).
Không chỉ cổ đông Hòa Phát, nhà đầu tư nhiều doanh nghiệp thép cũng đang ghi nhận giai đoạn giao dịch tích cực khi cổ phiếu ngành này hồi phục ấn tượng. Các mã HSG của Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, POM của Thép Pomina, VGS của Thép Việt Đức, TLH của Thép Tiến Lên… đều dư mua trần phiên cuối tuần qua.
Tính rộng hơn từ vùng đáy ngắn hạn hồi giữa tháng 11, các mã chứng khoán này đã tăng hàng chục phần trăm chỉ sau hơn một tháng.
Trong đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã tăng giá gần 84% từ vùng đáy, tức giá trị vốn hóa có thêm gần 3.700 tỷ đồng. Tương tự, vốn hóa Nam Kim lấy lại gần 1.700 tỷ đồng khi cổ phiếu tăng giá hơn 90%; cổ phiếu SMC tăng 57%; TLH tăng 62%; VGS tăng 86%…
Đà đi lên ấn tượng của cổ phiếu thép diễn ra sau khi nhóm cổ phiếu này bị chiết khấu mạnh, thị giá nhiều mã xuống dưới giá trị sổ sách (điều rất ít xảy ra trong quá khứ), định giá rẻ là một trong những động lực thúc đẩy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.
Ngoài ra, nhóm thép còn được hỗ trợ bởi một số thông tin tích cực ngắn hạn như Trung Quốc – nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới – bắt đầu nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19, kỳ vọng các hoạt động xây dựng trở lại mạnh hơn.
Giá thép thanh tại thị trường Trung Quốc đã tăng gần 16% trong một tháng rưỡi trở lại đây, qua đó leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8, trong khi giá thép có xu hướng diễn biến cùng chiều với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng các doanh nghiệp thép đã giảm lượng hàng tồn kho xuống chỉ còn 2-3 tháng trong quý IV so với mức 4-5 tháng tại cuối quý II. Điều này làm giảm rủi ro từ việc trích lập giảm giá hàng tồn kho. Do vậy, lợi nhuận ngành thép sẽ sớm chạm đáy, dù tốc độ phục hồi sẽ khá chậm do nhu cầu yếu.
Cổ phiếu hàng không cất cánh
Bên cạnh ngành thép, cổ phiếu ngành hàng không cũng đang dậy sóng khi các đường bay quốc tế dần trở lại, nổi bật nhất là chuỗi tăng giá ấn tượng của cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) trong hơn một tuần vừa qua.
Mã chứng khoán này vừa có 7 phiên tăng mạnh liên tiếp (bao gồm 3 phiên tăng trần) để đạt mức thị giá 15.100 đồng/đơn vị, cao nhất trong gần ba tháng.
Còn tính rộng hơn kể từ đáy ngắn hạn giữa tháng 11 đến nay, cổ phiếu HVN đã hồi phục hơn 75%. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp này theo đó đã lấy lại hơn 18.300 tỷ đồng để tiến về mức trên 33.400 tỷ.
Cổ phiếu HVN lên đỉnh ba tháng giúp vốn hóa Vietnam Airlines tăng hơn 18.000 tỷ đồng. Đồ thị: TradingView. |
Vừa qua, hãng hàng không quốc gia đã thông báo nối lại ba đường bay đến Trung Quốc. Với sự kiện này, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.
Không riêng Trung Quốc, việc mở lại các đường bay quốc tế khác cùng tốc độ khai thác tăng mạnh (đặc biệt trong dịp Tết) đang là động lực quan trọng nhất thúc đẩy giá cổ phiếu hàng không “cất cánh”.
Cổ phiếu VJC của Vietjet cũng tiến về vùng 113.000 đồng/cổ phiếu, tăng 15% so với đáy ngắn hạn trong một tháng qua và giúp vốn hóa doanh nghiệp hồi phục hơn 7.800 tỷ đồng. Cổ phiếu vận tải hàng hóa hàng không như SCS, AST tương tự cũng ghi nhận mức hồi phục 15-20% trong một tháng.
Theo các chuyên gia phân tích, hỗ trợ cổ phiếu ngành này là việc hàng không nội địa bắt đầu phục hồi và đã vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5 nhờ nhu cầu du lịch trong nước bùng nổ. Lượng hành khách quốc tế cũng đạt được những kết quả ấn tượng với mức tăng 35 lần so với thấp điểm quý III/2021, bằng 50% mức trước đại dịch.
Giới phân tích cũng dự báo ngành hàng không quốc tế sẽ là tiêu điểm đầu tư trong giai đoạn tới khi lượng hàng khách trong nước đang tăng mạnh nhu cầu cao điểm Tết, cũng như các đường bay quốc tế dần khôi phục hoàn toàn.
Nguồn: Báo xây dựng