Cơ hội và thách thức khi ứng dụng cửa khẩu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Tại Hội nghị tập huấn sử dụng Nền tảng cửa khẩu số cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Sở và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết, nền tảng cửa khẩu số đã được tỉnh Lạng Sơn xây dựng xong và đưa vào hoạt động từ ngày 25/9. Đây sẽ là cơ hội và thách thức để mở rộng không gian trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu của cả nước.
Theo đó, ông Lịch nhận định, cửa khẩu số là cơ hội duy nhất và cũng là thách thức to lớn để Lạng Sơn giải quyết câu chuyện xuất khẩu của cả nước, mở rộng không gian trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu. Ngoài ra, ông Lịch cho hay, nước bạn đã triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho các địa phương trung tâm và giáp biên cho nên chúng ta cần đồng bộ và kết nối với họ.
Ông Nguyễn Khắc Lịch – Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị tập huấn. Ảnh: Sở TT&TT Lạng Sơn
Việc thực hiện chuyển đổi số nói chung, cửa khẩu số nói riêng bên cạnh những ưu thế, giá trị, thuận lợi cho các chủ thể tham gia sẽ có nhiều khó khăn, phát sinh mới đòi hỏi mọi người cùng nhận thức, đồng hành với một thái độ tích cực, mục tiêu cao nhất phục vụ sứ mệnh là cánh cửa ra thế giới của nông sản, hàng hóa Việt Nam.
Được biết, nền tảng cửa khẩu số áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Cloud); xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, có khả năng kết nối/chia sẻ dữ liệu qua Trục liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP). Nhờ đó có thể tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập cảnh, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Nền tảng cửa khẩu số sẽ công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thay đổi quy trình nhằm tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong những hoạt động tại cửa khẩu, ứng dụng công nghệ số hiện đại vào quản lý, sử dụng một nền tảng số duy nhất có độ ổn định cao. Đồng thời, đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ số tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dựa trên Nền tảng cửa khẩu số.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn giải thích, quy trình sử dụng Nền tảng cửa khẩu số theo Quyết định số 1941 ngày 29/9 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số được diễn ra theo trình tự 8 bước: Khai báo thông tin (mở tờ khai); Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; Điều khiển luồng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; Kiểm tra y tế; Kiểm tra phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu vào ra khu vực cửa khẩu; Kiểm dịch y tế, động vật, thực vật; Sang tải hàng hoá và kiểm hóa; Thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.
Trong cùng diễn biến, tỉnh Long An hiện đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số nhằm đảm bảo thông suốt phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, từ chính quyền tỉnh đến các cơ quan sở, ngành, địa phương không ngừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
Đặc biệt, trong năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh liên tục đạt được những bước tiến ấn tượng trong công cuộc “số hoá”. Như Long An hoàn thành xây dựng Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ chia sẻ, kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong tỉnh và giữa tỉnh với các bộ ngành.
Tính đến thời điểm hiện tại, Long An đã đưa vào vận hành nhiều dịch vụ: dịch vụ liên thông một cửa – dịch vụ công; các dịch vụ khai thác CSDL/Hệ thống thông tin quốc gia (Kết nối hộ tịch điện tử, Khai thác CSDL doanh nghiệp quốc gia, Cấp mã số đơn vị có quan hệ với Ngân sách, Dịch vụ công quốc gia, Danh mục dùng chung quốc gia, Khai thác CSDL BHXH quốc gia; Dịch vụ Hành chính công). Long An đồng thời kết nối và đưa vào vận hành nhiều dịch vụ, nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (Paygov) tích hợp vào Cổng Dịch vụ công tỉnh; kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như tại Thái Nguyên, vừa qua, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên ra mắt ứng dụng C-Thai Nguyen. Với giao diện người dùng thân thiện, thiết kế hiện đại, tiện ích phong phú, ứng dụng nền tảng công dân số Citizen Thái Nguyên là hệ thống kết nối thông tin chính thống giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Người dân và doanh nghiệp có thể tương tác và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xử lý các vấn đề về điện, nước, viễn thông, dịch vụ công ích cho đến theo dõi hồ sơ sức khỏe, đăng ký khám, chữa bệnh và cập nhật thông tin trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, C-Thai Nguyen tạo nên cơ chế giám sát cho người dân với hệ thống camera trực tuyến kết hợp trí tuệ nhân tạo, giúp cải thiện tình hình an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội và tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng.
Ông Đỗ Hoàng Thái, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở TT&TT cùng với đơn vị triển khai thí điểm 2 hệ thống khai báo y tế trực tuyến đặt tại 2 điểm chốt giao thông là Thịnh Đán và Tân Lập giúp cho việc truy vết về dịch tễ COVID-19 nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Hiệu quả của hàng loạt các ứng dụng trên C-Thai Nguyen đã được ghi nhận qua thực tế… Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng C-Thai Nguyên thành 1 siêu app, hiện ứng dụng này đã được cập nhật và nâng cấp thường xuyên.
Diệu Hương (T/h)