Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số

nong-nghiep-25624n
Máy phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả khả quan.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được nông dân giỏi áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm chỉ ra một số vấn đề về khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đó là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên nông dân chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số. Trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp. Chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân hạn chế, vì thế, sự chuyển đổi thái độ, chấp nhận và thích nghi với các công nghệ mới có thể là một thách thức.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa trong nông nghiệp nhằm chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Duy Hiển cho rằng, nông dân có 5 hoạt động cần thực hiện: Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc; công dân số; tham gia các hợp tác xã; tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; tham gia hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất.

Theo thống kê, hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc. Mặc dù thời gian qua, cơ quan liên quan đã tập trung xác định những nhiệm vụ cần triển khai, phương án và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách bài bản, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức trong tiến hành các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, còn hạn chế trong việc quản lý các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam (do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) bảo đảm an toàn cho người sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài cũng như thiếu thống nhất nguyên tắc, phương thức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa…

Tiến sĩ Vũ Quế Anh (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, mặc dù thời gian qua, các cơ quan liên quan đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức trong tiến hành các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về truy xuất nguồn gốc. 

Tại hội thảo, Giám đốc Hợp tác xã hữu cơ Bình Minh (Bắc Giang) Nguyễn Ngọc Hải đã chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào hợp tác xã như chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất của Hợp tác xã. Bên cạnh đó, khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chưa bao giờ cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp của nông dân lớn như hiện nay; trong đó có cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh những cơ hội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chỉ ra thách thức, đó là sản xuất manh mún với 9,6 triệu hộ gia đình nhưng có đến 24 triệu mảnh ruộng. Tư duy, thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và khả năng ứng dụng công nghệ rất thấp. Chi phí ứng dụng chuyển đổi số cao nhưng lợi ích không rõ ràng. “Chúng ta phải xác định chuyển đổi số khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là quy trình và cách làm; làm thế nào để trong một khai báo truy xuất nguồn gốc, người nông dân phải khai báo ít nhất. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích