Cơ hội nào cho thị trường BĐS năm 2023?
Cơ hội nào cho thị trường BĐS năm 2023?
Thị trường BĐS năm 2023 được đánh giá sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít cơ hội với những chính sách mới đang trên đà đi vào thực tế.
Theo đó, chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân với chủ đề Hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững do Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức vào sáng 10/3, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế gọi tình hình thị trường BĐS bất ổn hiện tại là một năm “họa vô đơn chí” đối với thế giới và Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực
Lý giải điều này TS. Cấn Văn Lực đưa ra 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đang ở mức độ nhẹ nhưng điều này tác động tới Việt Nam khá lớn về đầu tư, xuất khẩu và du lịch.
Thứ hai, là thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng vẫn tăng trưởng chậm. Trung Quốc Đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Nhưng những nước như Việt Nam hay Trung Quốc tăng trưởng 5% chưa phải là thành công. Những khó khăn trên thị trường Trung Quốc đã tác động rất lớn đến Việt Nam chúng ta.
Thứ ba, là thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu bất ổn tương đối. Mặc dù tình hình đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn rất lớn. Đây là ba cơn gió ngược tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù vậy, phân tích về những thuận lợi của thị trường BĐS, Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 24% so với cuối năm 2021. Ông nêu ra 3 vai trò lớn của thị trường BĐS đối với nền kinh tế:
Thứ nhất, là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản. Cụ thể, có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản với hệ số lan tỏa từ 0,5 – 1,7 lần. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (6,2% GDP), du lịch (1,02% GDP), lưu trú (2,27% GDP) và tài chính – ngân hàng (4,76% GDP) năm 2022.
Thứ hai, đóng góp vào GDP và nền kinh tế, ngành kinh doanh bất động sản và xây dựng đóng góp gần 10% GDP trong năm 2022. Bất động sản là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.
Thứ ba, ngành bất động sản xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết năm 2022, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 66,2 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI đăng ký.
“Thông qua các số liệu này, có thể thấy, ngành bất động sản còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và lan tỏa. Trong đó, lan tỏa ít nhất 4 ngành nghề lớn là lĩnh vực lưu trú, lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng và 1 số lĩnh vực khác”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Thị trường BĐS năm 2023 được dự báo có nhiều điểm sáng nhờ những chính sách mới (Ảnh minh họa)
Với vai trò như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS năm nay có nhiều điểm sáng để dự báo về một sự phát triển trong đó trước hết phải nói đến nguồn vốn dành cho doanh nghiệp bất động sản.
“Năm nay chúng ta có nguồn vốn cho đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng nguồn vốn này vẫn đang tiếp tục thảo luận. Hiện đã có cam kết rót vốn 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ 4 ngân hàng thương mại quốc doanh”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Bên cạnh đó, về chính sách phát triển, vào tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS với nhiệm vụ chính là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương.
Ngân hàng Nhà Nước cũng đã dự kiến hạn mức tín dụng tăng khoảng 14 – 15% năm 2023.
Ngoài ra, Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023, sửa đổi một số quy định trong Nghị định 65 (2022) theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn
Sau Hội nghị trực tuyến ngày 17/2/2023, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững Ngân hàng Nhà nước với nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, các phân khúc còn thiếu cung.
Về phía doanh nghiệp TS. Cấn Văn Lực đưa ra giải pháp: Mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 – 2024).
Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…). Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…
Ngoài ra, quan tâm quản lý rủi ro tài chính như lãi suất, tỷ giá, dòng tiền… Tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan.
Bên cạnh tọa đàm về BĐS, Diễn đàn BĐS Mùa xuân thường niên lần thứ III sáng 10/3 cũng đã vinh danh các đơn vị với những thành tựu nổi bật trong năm qua gồm:
– Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2022
– Top 10 nhà phát triển bất động sản tiềm năng nhất năm 2023
– Top 10 nhà phát triển bất động sản công nghiệp tốt nhất năm 2022
– Top 10 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2023
– Top 10 nhà cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm 2022
– Top 10 nhà cho vay bất động sản tốt nhất năm 2022
– Top 10 sàn giao dịch bất động sản tốt nhất năm 2022
– Top 5 dự án công trình xanh – thông minh tốt nhất năm 2022
– Top 10 dự án đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2023
– Top 10 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2022
– Top 10 dự án chung cư cao cấp tốt nhất
– Top 10 khu đô thị đáng sống nhất năm 2022
– Top 5 dự án nhà ở xã hội và đại chúng tốt nhất năm 2022