Cơ hội nào cho bất động sản du lịch thời kỳ bình thường mới?
Các động thái trên được đánh giá sẽ giúp phá băng thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không thể nhìn nhận thị trường khởi sắc quá “màu hồng” mà phải căn cứ vào số liệu nguồn cung bất động sản mới, tồn kho cũ và cả khả năng phục hồi du lịch.
Thực tế sau thời gian phát triển quá ồ ạt, bất động sản nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu dư thừa. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thời điểm năm 2019 – khi ngành du lịch Việt Nam đạt kỳ tích vàng tăng trưởng khi đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, chỉ riêng về condotel – một phần nhỏ của bất động sản du lịch đã có số lượng tồn kho lên tới 30.000 căn.
Trong khi đó, về tiềm năng du lịch, cũng thời điểm 2019, Thái Lan đã đạt tới con số 39 triệu lượt khách quốc tế, thế nhưng quốc gia này chỉ có khoảng 5.000 căn condotel, gấp đôi về lượt khách quốc tế và số condotel chỉ bằng 1/6 so với Việt Nam. So sánh 2 thị trường, dễ thấy Việt Nam đang dư thừa quá nhiều và cũng vì thế nên công suất phòng, lợi nhuận mang đến từ cho thuê không hấp dẫn.
Mặt khác, không thể phủ nhận phục hồi du lịch sẽ tạo nên tác động với thị trường bất động sản du lịch, thế nhưng ngành du lịch cần thêm thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát, dịch vụ, tiện ích du lịch được hoàn thiện nếu không sẽ rất khó thu hút khách.
Việt Nam đang đi sau các nước về việc mở cửa lại du lịch, trong đó gần nhất là Thái Lan đã thử nghiệm xong chương trình Sandbox Phuket và quyết định đón khách du lịch nước ngoài đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 vào toàn bộ các khu vực trên đất nước Thái Lan mà không yêu cầu phải cách ly từ tháng 11/2021. Còn chúng ta chỉ mới đang loay hoay để thí điểm mở cửa, để lấy lại phong độ cho ngành du lịch, Việt Nam cũng có thể vẫn còn một chặng đường rất dài.
Thực tế, Việt Nam đã bị mất điểm trong mắt khách quốc tế bởi những chính sách đóng cửa trong thời gian qua về cách kiểm soát dịch. Do đó, để thu hút lại nguồn khách du lịch như trước đây cũng rất khó.
Thời điểm này, điều quan trọng nhất là các chính sách rõ ràng về việc đón khách, cách xử lý tình huống xấu khi mở cửa, không thể nào cứ có ca nhiễm mới là lại đóng cửa giãn cách như thời gian qua. Mặt khác, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng du lịch, chi phí quảng bá hình ảnh Việt Nam tới khách quốc tế. Đồng thời là các chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Trở lại với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với nguồn cung lên tới 54 dự án, 20.013 căn hộ du lịch, 3.415 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng như thống kê của Bộ Xây dựng trong quý II/2021, để thị trường hấp thụ hết số lượng bất động sản du lịch này và tồn kho cũ sẽ cần lượng khách vượt qua cả thời kỳ đỉnh cao 2019.
Mặt khác, các nhà phát triển dự án cũng cần chú trọng hơn về sự đầu tư đồng bộ sẽ thu hút nguồn khách du lịch quốc tế chất lượng, từ đó tạo sự hấp dẫn cho thị trường bất động sản du lịch./.
Thân Thành Vũ
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VNTPA)