Cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU
Thiệt hại kinh tế
Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) dùng “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10/2017, toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu.
Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng IUU là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà EC đã áp dụng để phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản năm 2017.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản sang EU đạt từ 950 triệu USD – 1,3 tỉ USD, chiếm 11 – 13% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó hải sản khai thác chiếm tỉ trọng từ 27 – 34%, đạt từ 280 – 365 triệu USD. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, EU chỉ còn chiếm 9% xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam, giảm tỉ trọng đáng kể so với mức 16% trước khi bị thẻ vàng IUU.
Trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải mất 3 – 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí, chỉ riêng kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng… Rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.
Nỗ lực của các địa phương
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”.
Từ năm 2017, khi nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Việt Nam đã nhận thức được những tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển ngành thủy sản lâu dài. Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, nhiều địa phương đã có những hành động cụ thể, quyết liệt.
Cụ thể, các địa phương ven biển vẫn đang nỗ lực quản lý chặt tàu thuyền, tuyên truyền cho ngư dân về việc tuân thủ đánh bắt đúng ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, không vượt ranh giới cho phép. Từ tháng 10/2023 đến nay, tức là sau đợt kiểm tra lần thứ tư của EC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức 3 đoàn công tác vào làm việc tại các tỉnh phía Nam để phối hợp quản lý tàu cá, trực tiếp làm việc với 105 chủ tàu, thuyền trưởng có nguy cơ cao vi phạm để yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh Bình Định tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến tận người dân tại cơ sở, tổ chức đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không vi phạm khai thác IUU.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện địa phương có 3.221/3.244 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình (chiếm 99,3%), còn lại 23 tàu cá bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất nên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Đối với công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá đều được giám sát và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác.
Tại tỉnh Quảng Trị, tổng số tàu cá toàn tỉnh tính đến cuối tháng 3/2024 là 2.666 chiếc, trong đó số tàu cá đã được thống kê, tổng hợp nhưng chưa được đăng ký là 380 chiếc. Trong thời gian gần đây, chỉ duy nhất 1 tàu cá vi phạm với lý do thiếu sổ danh bạ thuyền viên theo quy định, đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Với nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU, trong 3 năm qua, tại Quảng Trị không có tàu cá nào có chiều dài từ 15 m trở lên vi phạm vùng biển nước ngoài; tỷ lệ đăng ký đăng kiểm tàu cá, cấp phép tàu cá được nâng lên trên 97%; tỷ lệ tàu cá có chiều dài trên 15 m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 95,8%; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá vào hệ thống VNFishbase quốc gia đạt 100%…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 5/2024, tổng số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch gồm 3.665 tàu cá, đạt 86,62%. Đến nay, toàn tỉnh có 2.952 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt gần 99,5% trên tổng số tàu đang hoạt động (không tính 126 tàu nằm bờ trong và ngoài tỉnh).
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền; kiểm soát chặt chẽ tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); không cho tàu cá đi khai thác thủy sản nếu không đầy đủ các giấy tờ liên quan, không để sót trường hợp vi phạm; không nhân nhượng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý ở mức cao nhất theo quy định.
Tỉnh Cà Mau có trên 4.000 tàu cá, với hơn 1.500 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, đã lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định, đạt tỷ lệ 100%.
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2024
Ngày 24/6/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 275/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị Sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng nêu rõ, đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến tháng 10/2024) là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. Do đó các ngành, các cấp có liên quan từ trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Phó Thủ tướng đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành ủy quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay. Trong đó, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 9 năm 2024, đảm bảo có số liệu, kết quả chứng minh cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC.
Có thể thấy, dù gỡ “thẻ vàng” IUU còn nhiều thách thức, nhưng khi nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt thì có thể đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, về lâu dài, cần quan tâm, cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; quan tâm tạo sinh kế phù hợp, nâng cao đời sống ngư dân, người lao động có liên quan. Đồng thời phải có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài. Trên cơ sở đó, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Sẽ kiểm tra thêm lần nữa
Dự kiến tháng 10/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các yêu cầu về IUU. Đây là lần thứ 5 EC đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị về chống đánh bắt IUU, nhằm đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Do đó, lãnh đạo các tỉnh thành ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp. Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt là thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu