Cơ hội đưa dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh

Với lãi suất không kỳ hạn, cả Vietcombank, BIDV và VietinBank đều niêm yết ở mức 0,1%/năm, riêng Agribank là 0,2%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng, Vietcombank và Agribank niêm yết ở mức 2,2%/năm, BIDV và VietinBank áp dụng mức chung 2,6%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, 3,5%/năm là lãi suất mà cả Vietcombank và Agribank cùng áp dụng, BIDV và VietinBank có biểu niêm yết là 4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, Vietcombank có lãi suất huy động thấp nhất thị trường (4,8%/năm). Con số này tại BIDV, VietinBank và Agribank cùng là 5%/năm.

Cơ hội đưa dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh
Ảnh minh họa.

Hiện tại, mặt bằng chung lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là trên dưới 5,5%/năm. Chỉ một vài đơn vị có lãi suất cao vượt trội. Đó là PVComBank, HDBank và DongA Bank. Đặc điểm chung của các mức ưu đãi này là chỉ dành cho giới siêu giàu.

Cụ thể, mức lãi suất huy động cao nhất thị trường đang thuộc về PVComBank với 10,5%/năm. Ưu đãi này áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng với số tiền gửi lên đến 2.000 tỷ đồng.

Từ ngày 18/12/2023, HDBank công bố biểu lãi suất mới và sự sụt giảm ở đa số kỳ hạn. Tuy nhiên, mức cao nhất tại HDBank vẫn là 8,4%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank còn có lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Theo biểu niêm yết mới nhất của DongA Bank, lãi suất cao nhất tại nhà băng này chỉ là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nếu có số tiền gửi trên 200 tỷ đồng, khách sẽ được hưởng mức cao hơn, lên đến 7,5%/năm.

Công ty chứng khoán VnDirect nhận định lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024. VnDirect đưa ra dữ liệu tính đến ngày 14/12/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống còn 5,0%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với cuối tháng 10/2023 và khoảng 2,8% điểm so với cuối năm 2022.

Như vậy, lãi suất huy động đã xuống thấp hơn giai đoạn Covid-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

Tính đến ngày 30/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,15% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 12% so với đầu năm của cùng kỳ năm ngoái và cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không còn đề cập đến khả năng tăng lãi suất điều hành và dự báo khả năng cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản vào năm tới trong trường hợp Fed cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5,0%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng còn lại của năm nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây”, VnDirect dự báo. Lãi suất huy động “chạm đáy” kỳ vọng sẽ “mở van” tín dụng để dòng tiền chảy nhanh hơn, đều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giúp nền kinh tế lấy lại sức sống mới.

H.Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích