Cơ hội dành cho công trình cân bằng năng lượng tại Việt Nam
(Xây dựng) – Hội thảo trực tuyến “Tiêu chuẩn công trình cân bằng năng lượng (ZEB) – Phương pháp và thực hành trong hoạch định, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình” vừa được diễn ra tại Hà Nội. Với sự đàm thoại đa bên, đây là cơ hội để các chuyên gia và các học viên cùng trao đổi về các tiêu chuẩn mới và các giải pháp, công nghệ sáng tạo nhằm vượt qua thách thức đang đặt ra trong quá trình chuyển dịch hướng tới công trình cân bằng năng lượng, tạo ra tác động lâu dài.
Hội thảo trực tuyến “Tiêu chuẩn công trình cân bằng năng lượng (ZEB) – Phương pháp và thực hành trong hoạch định, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình”. |
Với mục tiêu cung cấp phương pháp tiếp cận toàn diện hướng tới công trình cân bằng năng lượng (CBNL) từ giai đoạn đầu cho đến cuối vòng đời công trình, Hội thảo “Tiêu chuẩn công trình cân bằng năng lượng” được tổ chức để cung cấp các tiêu chuẩn mới và các giải pháp, công nghệ sáng tạo để vượt qua những thách thức đang đặt ra trong quá trình chuyển dịch hướng tới công trình CBNL về các phương pháp và các giải pháp về kinh nghiệm phát triển công trình CBNL theo suốt vòng đời công trình, từ hoạch định, thiết kế, xây dựng và vận hành.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định, hiện nay, tại Việt Nam không có nhiều công trình xanh. Tính đến năm 2021 cả nước chỉ có khoảng hơn 200 công trình xanh được cấp chứng chỉ xanh. Các chứng chỉ công trình xanh hiện có tại Việt Nam gồm: LEED, LOTUS, EDGE, HQE, GREEN MARK, DNGB…
Tuy nhiên, so với bối cảnh thực tế thì khoa học công trình (nhiệt, tiện nghi, năng lượng…) ở Việt Nam lại đang dựa trên kiến thức đã cũ, lạc hậu, ít cập nhật các kiến thức mới, bởi vậy ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của các công trình. Vì vậy, các công ty kiến trúc và kỹ thuật làm việc mà không cần kiểm tra tiện nghi công trình, hiệu quả năng lượng hay tác động đến môi trường. Không có các công cụ hoạch định chính sách, nên không xác định được cơ chế và số liệu thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành thêm các Luật, Nghị định, Thông tư, nhằm khuyến khích xây dựng công trình hiệu quả năng lượng như: Tháng 7/2020: Luật Xây dựng sửa đổi – các tính năng tiết kiệm năng lượng sẽ được thực hiện khi thiết kế đô thị và xây dựng; Tháng 3/2021: Nghị định 15 – Lặp lại hiệu quả năng lượng bắt buộc đối với thiết kế tòa nhà, thúc đẩy công trình xanh; Tháng 8/2021: Thông tư 12/2021, cho phép bổ sung phí thiết kế đối với tòa nhà hiệu quả năng lượng, thiết kế bảo vệ môi trường; Tháng 8/2021: Thông tư 15, cho phép bổ sung phí thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng, thiết kế bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là về giá trị tài chính chi tiết để áp dụng vào thực tế, và các chính sách mới này chỉ mang tính đề xuất ở giai đoạn hiện tại.
Do vậy, lộ trình xây dựng các công trình cân bằng năng lượng cần các dự án thí điểm, chính sách thưởng thêm cho các dự án cùng loại và kiểm soát chặt chẽ hơn về mức năng lượng sử dụng khi phê duyệt Giấy phép xây dựng. Nhằm cung cấp các biện pháp giúp giảm thiểu tác động sinh thái của các công trình xây dựng. Công trình cân bằng năng lượng không phải là một phương pháp xây dựng cụ thể mà nó tập hợp một loạt các kỹ thuật, vật liệu và công nghệ khi được sử dụng kết hợp đúng cách vào một công trình sẽ góp phần nâng cao hiệu suất bảo vệ môi trường. Theo hình mẫu lý tưởng, công trình cân bằng năng lượng giúp tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, hạn chế tiêu thụ nước, sử dụng tối đa các vật liệu tái chế, các vật liệu có thể tái chế và không độc hại, đồng thời cho phép phát sinh ít chất thải nhất có thể trong quá trình xây dựng và vào ở.
Trường mầm non “Farming Kindergarten” một trong những công trình xây dựng theo tiêu chuẩn cân bằng năng lượng tại Việt Nam. |
Ngoài ra, tại Hội thảo các diễn giả cũng đem ra thảo luận các chủ đề liên quan tới công trình cân bằng năng lượng như: Tiêu chuẩn công trình cân bằng năng lượng ISO/TS 23764:2021 cung cấp phương pháp tiếp cận từng bước trong hoạch định, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình cân bằng năng lượng (ZEB) với 3 cấp độ READY, NEARLY và NET; Ứng dụng mô phỏng và công nghệ số trong thiết kế và vận hành ZEB như mô phỏng năng lượng công trình và Bản sao số hóa hệ thống Chiller góp phần đáng kể để đạt được các mục tiêu cân bằng năng lượng…
Nguồn: Báo xây dựng