Cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật hàng không Việt Nam “cất cánh”

Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và hướng đến Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11, phóng viên Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không thế giới.

Anh 21.10 - 1
Ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) tại Triển lãm hàng không quốc tế 2022.

Thưa ông! Với kinh nghiệm là công ty sản xuất linh kiện, ông đánh giá như thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không thế giới thời điểm này?

Ông Trần Hải Đăng: Theo số liệu từ nhà sản xuất máy bay Boeing, trong nhiều năm qua các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận, linh kiện tiên tiến cho hãng để lắp ráp máy bay. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp phụ trợ này đều là các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp thuần việt tham gia vào lĩnh vực này mới chỉ có AESC.

Các tập đoàn khác như: Airbus, Safran, Collins cũng đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện thuần Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Anh 21.10 - 5
Kỹ thuật viên của AESC đang bảo dưỡng bánh máy bay A320.

Trước những tín hiệu khả quan như trên, tôi cho rằng cơ hội đối với các doanh nghiệp của Việt Nam trong đó có AESC khi tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không thế giới là rộng mở.

AESC đã mất 5 – 7 năm để nhận được các chứng chỉ cơ bản của ngành kỹ thuật hàng không thế giới, từ đó chúng tôi đã bước được một chân vào chuỗi cung ứng này. Các doanh nghiệp khác cũng có thể tiến gần hơn tới cánh cửa này nếu quyết tâm và kiên trì theo đuổi. AESC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để có nhiều hơn các công ty của Việt Nam góp mặt trong bản đồ hàng không thế giới.

Anh 21.10 - 2
Kỹ thuật viên của AESC bảo dưỡng, lắp ráp ghế cho máy bay.

Ông có thể cho biết AESC đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các hãng hàng không nào? Sắp tới công ty có kế hoạch hợp tác và mở rộng thêm thị trường ở đâu?

Ông Trần Hải Đăng: AESC đang cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho tất cả các hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, gần đây là Vietravel.

Các sản phẩm AESC cung cấp đều đạt tiêu chuẩn được công nhận và cấp chứng chỉ Tổ chức Bảo dưỡng theo tiêu chuẩn Cục hàng không Châu Âu (EASA Part 145), tiêu chuẩn Hoa kỳ (FAA Part 145), là các tiêu chuẩn của hàng không thế giới, vì vậy các linh kiện nội thất máy bay chúng tôi đang phân phối đi khá nhiều quốc gia trên thế giới. Nội thất máy bay do Công ty sản xuất bán được cho mọi hãng hàng không. Công ty cũng có thế mạnh về xuất khẩu nội thất máy bay và tiềm năng của công ty trong lĩnh vực này là rất lớn.

Anh 21.10 - 4
Một số sản phẩm nội thất máy bay do AESC sản xuất.

Ngoài những linh kiện nội thất hiện tại, AESC có kế hoạch phát triển sản xuất thêm những loại linh kiện mới nào không, thưa ông?

Ông Trần Hải Đăng: Với những sản phẩm nội thất máy bay, để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế thì quá trình thẩm định cũng đã rất ngặt nghèo, tuy nhiên công ty cũng đã hoàn thành quá trình thẩm định cho những sản phẩm nội thất.

Trong thời gian tới, công ty đang có kế hoạch đầu tư sản xuất những thiết bị, vật tư phức tạp hơn như nhóm thiết bị liên quan đến cấu trúc máy bay hay một số linh kiện khác. Về quy trình thì chúng ta có máy móc, nhân lực, có nhà xưởng và đặc biệt chúng ta cũng đã đáp ứng những tiêu chuẩn hàng không quốc tế như EASA hay FAA, vậy nên AESC đã sẵn sàng nhập cuộc. Một yếu tố để Việt Nam có thể cạnh tranh trong chuỗi cung ứng này là cùng sản phẩm đó nhưng chúng ta sản xuất sẽ có giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo và thời gian giao hàng nhanh chóng.

Anh 21.10 - 3
Xe thang trong hàng không do AESC sản xuất.

Gần đây công ty có ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên nội thất máy bay, ông có thể chia sẻ những sản phẩm cụ thể là gì?

Ông Trần Hải Đăng: Tôi có thể chia sẻ rất trung thực là ý tưởng này không bắt nguồn từ công ty mà là ý tưởng bà Lương Thị Xuân, Giám đốc công ty GK Wintron, một người rất tâm huyết với ngành hàng không Việt Nam. AESC may mắn là thế hệ tiếp nối ý tưởng của bà, đồng thời công ty cũng là đơn vị có thể thực hiện được ý tưởng này. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nội thất máy bay, việc tiếp cận và thực hiện ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay không phải là khó. Thổ cẩm sẽ được dùng làm vải bọc ghế, rèm trên máy bay, ngoài ra, công ty sẽ chọn thổ cẩm của một dân tộc để thiết kế hòa hợp với đồng phục của tiếp viên hàng không.

Cái khó của ý tưởng này là từ trước đến giờ chưa có một vật liệu nào của Việt Nam được đặt lên máy bay. Đặc biệt, đây còn là vật liệu Việt Nam tự sản xuất nên để có thể trải qua các vòng kiểm định và lên được bầu trời thì vẫn cần thêm thời gian. Các vật liệu thổ cẩm này sẽ phải trải qua những bài kiểm tra rất ngặt nghèo gồm 5 bài test chống cháy, nhiệt lượng phát thải và độc tính của khói khi cháy, để đạt được những chứng chỉ hàng không thế giới. Vải bọc vẫn cần nhẹ và bền.

Ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) trình bày ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay thương mại tại Triển lãm hàng không quốc tế (VIAE) 2022
Ông Trần Hải Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) trình bày ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên máy bay thương mại tại Triển lãm hàng không quốc tế (VIAE) 2022.

Ý tưởng đưa vải thổ cẩm lên nội thất máy bay đã được những hàng hàng không nào hưởng ứng và kế hoạch sắp tới của AESC đối với sản phẩm này là gì thưa ông?

Ông Trần Hải Đăng: Sau khi nhận được chứng chỉ, chúng ta sẽ phải bàn chuyện với các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus hay thậm chí là những nhà sản xuất ghế máy bay để có thể đưa thổ cẩm lên những chiếc ghế này, hoặc là sự đồng ý từ Cục Hàng không để có thể lắp những chiếc ghế thổ cẩm lên máy bay ở Việt Nam.

Và cuối cùng, chúng tôi rất cần sự đồng hành của các hãng hàng không, sự đồng tình và ủng hộ của họ với những sản phẩm mang dấu ấn dân tộc. Công ty cũng đã tiến hành trao đổi với các hãng hàng không tại Việt Nam, một số hãng đều nhìn nhận đây là một ý tưởng thú vị.

Anh 21.10 - 8
Ban Giám đốc AESC cùng khách hàng tham quan gian hàng và sản phẩm ghế bọc vải thổ cẩm do AESC sản xuất tại Triển lãm hàng không quốc tế 2022.

Sự đồng hành của các hãng hàng không sẽ đưa văn hóa bản sắc của Việt Nam lên bầu trời. Công ty sẽ dành dự án này cho những hãng hàng không thực sự mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Bản thân các hãng sử dụng dịch vụ phải có nội thất bằng vải bọc ghế chứ không phải là da thì mới có thể triển khai được. Từ phía các hãng hàng không, họ cũng sẵn sàng đón nhận nếu như những vật liệu này đạt đủ chứng chỉ, tiêu chuẩn để có thể đưa lên máy bay.

1 (14)
Trải nghiệm ghế máy bay được bọc bằng vải thổ cẩm do AESC nghiên cứu sản xuất.

Cũng đã có những ý kiến phản hồi về dự án này. Một số ý kiến đóng góp ý tưởng như thiết kế làm sao để khoang hạng thương gia khi sử dụng chất liệu này sẽ tạo sự khác biệt thực sự. Một số góp ý cụ thể như nếu có họa tiết trống đồng vào những chiếc khăn tựa đầu cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.

Những chất liệu thổ cẩm được đưa vào sử dụng sẽ lấy từ các vùng núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đây đều là những nơi có nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống. Chúng ta vừa có nguyên liệu, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Để đưa được vải thổ cẩm lên bầu trời, cần sự phối hợp từ ba phía gồm nhà sản xuất, các hãng máy bay và địa phương cung cấp nguyên liệu. Đây là tâm huyết công ty và sẽ dành dự án này cho những hãng hàng không thực sự tâm huyết với ý tưởng và một dân tộc địa phương thực sự muốn quảng bá nét đẹp văn hóa bản sắc của mình ra thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích