Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới mục tiêu trung tâm chế biến nông sản trong Top 10 thế giới

(Xây dựng) – Sáng 24/8, tại thành phố Cần Thơ, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Agitechnica Asia Live 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

co gioi hoa dong bo huong toi muc tieu trung tam che bien nong san trong top 10 the gioi
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nhiều nỗ lực cơ giới hóa nông nghiệp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Hiện nay, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu trong một số lĩnh vực ngành có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100%, Chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%. Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; có 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức”.

co gioi hoa dong bo huong toi muc tieu trung tam che bien nong san trong top 10 the gioi
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay: Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011 – 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90% (thức ăn, nước)…, cụ thể, đối với một số lĩnh vực chính như sau: Cơ giới hóa sản xuất lúa giai đoạn 2008 – 2021: Khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo xạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%; Cơ giới hóa các loại cây trồng khác: Sản xuất mía: khâu làm đất đạt 70 – 90%, trồng mía 40%, chăm sóc đạt 70%, thu hoạch khoảng 20- 30%. Sản xuất ngô: khâu làm đất 70 – 90%, khâu thu hoạch khoảng 20 – 30%. Sản xuất chè: khâu chăm sóc, xới cỏ, phun thuốc trừ sâu đạt gần 70%, khâu đốn, hái chè sử dụng máy đạt 40%. Sản xuất cà phê: Cơ giới hóa khâu tưới, chăm sóc đạt khoảng 90%.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Chăn nuôi gà: Các khâu chuồng trại, cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng đạt trên 90%, xử lý môi trường đạt 55%. Chăn nuôi lợn: quy mô trang trại, công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động đạt 80%. Chăn nuôi trâu, bò: đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 60%, sử dụng máy vắt sữa đạt 85%.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Các máy móc, thiết bị cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi…

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất lâm nghiệp hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu. Có tới 70% khối lượng công việc được làm bằng thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới được thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng như: trồng, chăm sóc, chữa cháy, vận xuất và bốc xếp thì tỷ lệ chỉ khoảng 2 – 5%.

Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí và 271 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm cơ khí do trong nước sản xuất mới đạt khoảng 33% nhu cầu thị trường; Lực lượng thuần cơ khí có khoảng 538.700 người, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; hàng triệu người dân vận hành và sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp; Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản. Đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Công nghệ chế biến nông sản nước ta đạt mức độ trung bình đến trung bình tiên tiến. Một số ngành hàng có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: Công nghệ chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra…

co gioi hoa dong bo huong toi muc tieu trung tam che bien nong san trong top 10 the gioi
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ tại Hội thảo.

Hướng đến mục tiêu trung tâm chế biến nông sản trong Top 10 thế giới

Tại Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, các diễn giả và đại diện các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng cần phải nghiên cứu đầu tư công nghệ để chế tạo các thiết bị cơ giới đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp. Vì chỉ có cơ giới hóa đồng bộ thì nền nông nghiệp mới phát triển bền vững, sản phẩm nông nghiệp đủ năng lực cạnh tranh vươn tầm ra thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 2,9%, giá trị xuất khẩu không ngừng gia tăng, năm 2021 đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,5 tỷ USD; nông sản đã xuất khẩu đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và hàng loạt các chính sách: tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Theo đó, mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: Trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 thế giới.

Như Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã phát biểu: Ban tổ chức tổ chức Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” là chủ đề chính của chuỗi sự kiện lần này, với mong muốn thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp để đạt các mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ về vấn đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nơi có hơn 114.000ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 78.000ha trồng lúa, với hệ số sử dụng đất khoảng 2,88 lần/hàng năm, với sản lượng trên 1,3 triệu tấn lúa, đã cơ giới hóa trên 95% gieo sạ, bón phân 60%, thu hoạch lúa trên 90%, cho rằng: “Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và ngành Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động lớn: Quá trình đô thị hóa nhanh, lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến. Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các vụ mùa, mùa thu hoạch rộ. Do đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay vừa là điều kiện để giải phóng sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu bổ sung sức lao động cho nông nghiệp.

co gioi hoa dong bo huong toi muc tieu trung tam che bien nong san trong top 10 the gioi
Cơ giới hóa thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động rất lớn, rất rõ nét vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng phải giải quyết những nhu cầu đặt ra như: giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn… Cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nền tảng là công nghệ 4.0, nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hiện đại”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích