Có gì bên trong ‘biểu tượng văn hóa’ của người Cơ Tu Quảng Nam?
“Gươl” trong tiếng Cơ tu có nghĩa là cộng đồng. Được xem như là trái tim của làng, vậy nên các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều phải có nhà Gươl.
Nằm nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) là nơi vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Cơ Tu; trong đó nhà Gươl luôn được người dân nơi đây bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
“Gươl” trong tiếng Cơ tu có nghĩa là cộng đồng. Được xem như là trái tim của làng, vậy nên các buôn làng của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều phải có nhà Gươl.
Nhà Gươl được dựng chính giữa làng, người dân dựng nhà xung quanh tạo thành hình bầu dục. Việc chọn đất, chọn cây để xây dựng nhà Gươl luôn đòi hỏi theo một khuôn mẫu chung.
Nhà Gươl được thiết kế theo kiểu nhà sàn, trụ bởi một cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà phải được lợp bằng lá tự nhiên, sàn nhà lát bằng tre cật chẻ mỏng, giữa các thanh tre có một độ hở nhất định để tại nên sự thông thoáng cho Gươl.
Dưới mái nhà Gươl, những hình ảnh chạm khắc tỉ mỉ hiện lên như những tác phẩm nghệ thuật sinh động. Mỗi tác phẩm tái hiện đời sống lao động, văn hóa của một dân tộc giàu bản sắc giữa núi rừng.
Trong nhà Gươl cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội… Nhà Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng.
Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.
Những năm gần đây, để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục và giữ gìn nhà Gươl truyền thống.
Đến nay, hầu hết thôn của người Cơ Tu ở Quảng Nam đã có nhà Gươl. Đặc biệt, trên đỉnh ngọn đồi ở trung tâm huyện Tây Giang là một quần thể làng truyền thống Cơ Tu, gồm một nhà Gươl trung tâm và 10 ngôi nhà Cơ Tu truyền thống, đại diện cho 10 xã của huyện.
Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu phân bố theo vùng cao, vùng trung và vùng thấp.
Nhà Gươl là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Cơ Tu, việc gìn giữ nhà Gươl cùng chính là giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, người Cơ Tu nói tiếng Cơ Tu, một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer trong ngữ hệ Nam Á. Họ sống ở chủ yếu ở Miền Trung Việt Nam và một số ít ở Hạ Lào.
Tại Việt Nam, dân số dân tộc Cơ Tu khoảng trên 62 nghìn người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam (chiếm khoảng 75%), Thừa Thiên-Huế (chiếm gần 24%), còn lại sinh sống rải rác ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Dù sinh sống ở đâu, người Cơ Tu vẫn luôn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống. Những nét đẹp trong văn hóa của người Cơ Tu chính là một kho báu vô giá, được người dân trong bản làng liên tục gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau./.
Nguồn: Báo xây dựng