Cố gắng đến ngày 1/7, VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện thủ tục hành chính
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Đề án 06 giúp tiết kiệm gần 3.500 tỷ đồng/năm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Đặc biệt là tích cực tháo gỡ 5 “điểm nghẽn”trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18. Triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đã tái cấu trúc quy trình đối với hầu hết các dịch vụ công thiết yếu; đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời công bố, cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó điều chỉnh, tái cấu trúc lại quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 62/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm).
Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt 54 triệu tài khoản và tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.
Ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500.000 lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư.
Sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại
Song bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ nhận định Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đó là tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu; việc phát triển hạ tầng số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu”.
Trong khi đó, công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng.
“Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng đánh giá việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thí điểm các mô hình mới trong triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm” và “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tập trung xử lý dứt điểm các điểm nghẽn.
Thứ nhất, lãnh đạo Chính phủ quán triệt cần hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.
Trong đó, Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Căn cước, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dân cư; thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống…
Với mục tiêu đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những dịch vụ công đang thí điểm hiệu quả như cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.
Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân công các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có lộ trình hoàn thành phù hợp; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo lao động thủ đô