Cô gái tử vong vì ngủ trong ô tô khi nhà mất điện
Cô gái tử vong vì ngủ trong ô tô khi nhà mất điện
Từ sự việc đáng tiếc xảy ra khi 3 người trong 1 gia đình ở Hải Phòng bị nạn khi ngủ trong xe ô tô cho thấy người dân cần trang bị kiến thức cần thiết để tránh những sự cố nguy hiểm.
Mới đây, trên địa bàn thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão, Hải Phòng) xảy ra trường hợp đáng tiếc khi nữ sinh P.M.H. (SN 2003, trú tại thị trấn Trường Sơn) được xác định đã tử vong khi ngủ trong xe ô tô trong lúc mất điện.
Đáng nói hơn, ngoài H., 2 người khác là bố và em trai của nữ sinh này cũng rơi vào tình trạng hôn mê và phải nhập viện cấp cứu khi cùng ngủ trên chiếc xe ô tô trên. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các trường hợp đáng tiếc khi người dân tử vong trong lúc ngủ trên xe ô tô.
Trước đó, vào năm 2018, người dân sinh sống tại tổ dân phố Hạ Lũng (phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng) cũng đã phát hiện một người đàn ông tử vong trong xe cá nhân đậu trước cửa nhà.
Nhà chức trách sau đó đã vào cuộc điều tra và kết luận nguyên nhân khiến người đàn ông này tử vong là do đóng kín cửa xe, nổ máy, chạy điều hòa dẫn đến ngạt khí do không khí không lưu chuyển, hàm lượng oxy giảm dần, còn hàm lượng CO tăng cao.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết ô tô nổ máy ở môi trường tương đối kín, không gian nhỏ sẽ đốt nhiên liệu dần tiêu thụ cạn oxy trong không khí.
Trong điều kiện thiếu oxy, nhiên liệu đốt không hoàn toàn sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, giải phóng khi đốt cháy nhiên liệu, như than đá, gỗ, than củi, dầu nhiên liệu… CO gây độc rất nặng, có thể tử vong.
“Đóng cửa bật điều hòa khi xe chạy trên đường hoặc ở không gian rộng lớn không nguy hiểm, vì nhiên liệu cháy hoàn toàn tạo ra CO2 phân tán nhanh chóng ở ngoài trời, nhưng khi bị giới hạn trong không gian nhỏ, kín, thì nhiên liệu cháy không hoàn toàn sinh ra khí CO là khí rất độc, có thể cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ Cấp nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Cấp cho biết khi xe nổ máy, ô tô sẽ tiêu thụ oxy, thải ra CO2 và nước. Nhưng trong điều kiện thiếu oxy sẽ sinh ra khí CO.
“Nếu chúng ta hít phải khí này, sẽ gây ra tình trạng ngộ độc CO do CO gắn tương đối bền với huyết sắc tố trong hồng cầu, khiến huyết sắc tố không thể gắn oxy được nữa. Vì thế, dòng máu không vận chuyển được oxy đến các cơ quan trong cơ thể gây ngộ độc”, ông nói.
Dù vẫn hít thở bình thường nhưng vì máu không vận chuyển oxy nữa nên tất cả cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều thiếu oxy. Cơ quan bị tác động đầu tiên là não, với triệu chứng nhức đầu, choáng váng, mất cảm giác, hôn mê co giật và diễn tiến đến tử vong rất nhanh chóng. Do người bệnh bị mất ý thức, hôn mê tương đối nhanh nên không cảm nhận được cảm giác ngạt và không tự dậy để mở cửa hay tắt máy xe.
Thông thường, nếu bật điều hòa xe liên tục thì điều hòa sẽ nhanh chóng tiêu thụ hết điện trong ắc quy, do vậy để sử dụng được điều hòa lâu, các chủ xe thường phải mở máy chạy cầm chừng, và nếu thực hiện thao tác này ở không gian hẹp, không thoáng gió thì sẽ cực kỳ nguy hiểm do động cơ xe sinh ra khí CO như trên đã nêu.
Ngay cả trong trường hợp không nổ máy xe mà ngủ trong xe đóng kín các cửa khi xe không di chuyển cũng rất nguy hiểm vì không gian trong cabin xe khá nhỏ, chúng ta hít thở một lúc lâu sẽ tiêu thụ cạn oxy và sản sinh quá nhiều khí CO2 trong xe, dẫn đến ngạt.
Thông thường, trong khí trời, nồng độ oxy là 21% và CO2 khoảng dưới 0,04%. Nếu nồng độ O2 trong cabin xe giảm xuống dưới 11% hoặc CO2 tăng cao trên 1,5% thì người ở bên trong sẽ bị mất ý thức, hôn mê và không tự thức tỉnh dậy được để mở cửa, người ngủ trong thời gian dài có thể lịm dần và tử vong.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo nếu không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngủ trong ô tô, để đảm bảo an toàn, cần chọn nơi thông thoáng và râm mát để đỗ xe. Mở hé cửa sổ hoặc sử dụng cửa sổ trời nếu ô tô của bạn có. Nếu đỗ xe nơi môi trường kín, nhỏ, không thoáng gió thì tuyệt đối không được nổ máy xe lâu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị